“Thả lỏng” game di động

Việc ban hành Thông tư quản lý game online cũng như cấp phép cho game online trở lại sau 4 năm tạm ngừng được nhiều doanh nghiệp làm game, cung cấp nội dung số lên tiếng. Tuy nhiên một vấn đề khác đang nóng bỏng không kém trong “làng game Việt” là việc phát hành và quản lý game mobile, vốn được xem là xu hướng phát triển cực kỳ mạnh mẽ của cả thế giới hiện nay.
“Thả lỏng” game di động

Việc ban hành Thông tư quản lý game online cũng như cấp phép cho game online trở lại sau 4 năm tạm ngừng được nhiều doanh nghiệp làm game, cung cấp nội dung số lên tiếng. Tuy nhiên một vấn đề khác đang nóng bỏng không kém trong “làng game Việt” là việc phát hành và quản lý game mobile, vốn được xem là xu hướng phát triển cực kỳ mạnh mẽ của cả thế giới hiện nay.

Doanh thu 2 triệu USD/tháng

Tại Hội nghị Vietnam Mobile Day 2014 tổ chức tại Hà Nội giữa tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty NCS Media cho biết, năm 2013 đã bắt đầu bùng nổ số lượng lớn game mobile (trò chơi trên thiết bị di động) phát hành của doanh nghiệp trong nước. Trước đây, thị trường này thường chỉ dành cho các nhà phát hành nước ngoài, nhưng giờ đây một loạt nhà phát hành lớn tại Việt Nam cũng đã nhảy vào. Theo tính toán chưa đầy đủ, doanh thu game mobile tại Việt Nam thời gian gần đây đạt khoảng 2 triệu USD/tháng, tương đương mỗi năm trên dưới 500 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam nói chung. Việt Nam đang được đánh giá là thị trường tốt nhất cho kinh doanh game và ứng dụng mobile ở khu vực Đông Nam Á.

Game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông được xem là thành công và nổi tiếng nhất trong làng game mobile Việt Nam.

Game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông được xem là thành công và nổi tiếng nhất trong làng game mobile Việt Nam.

Theo ông Trần Vinh Quang, Giám đốc điều hành Công ty Appota, đầu năm 2013 việc sản xuất game mobile ở Việt Nam mới chỉ khởi đầu, các studio hay lập trình viên đều thiếu kinh nghiệm. Phải đến cuối năm 2013 và đầu năm 2014, mọi chuyện mới thay đổi. Đặc biệt, sự xuất hiện game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, đã tạo ra cú hích rất lớn về sản xuất game di động trong nước. Lúc đó thế giới mới biết đến trình độ sản xuất game tại Việt Nam cũng như sự quan tâm của cả truyền thông lẫn cơ quan quản lý nhà nước về ngành này. Bên cạnh đó, việc SohaGame phối hợp với Emobi Games sản xuất game Đại Minh Chủ dành cho smartphone và Joy Entertainment cho ra đời game Chiến Binh CS hay VNG đưa Khu Vườn Trên Mây lên smartphone… khiến việc sản xuất game di động tại Việt Nam bước sang một trang mới. Hàng loạt studio cũ hoạt động trở lại, nhiều studio mới ra đời hay các lập trình viên tự do chuyển sang làm game nhiều hơn. Kết quả là xuất hiện rất nhiều sản phẩm game có chất lượng như School Cheater, Jump& Jump, Freaking Math, Thần Thoại… không thua kém gì các game di động trên thế giới.

Nhiều bất cập trong quản lý

Tuy nhiên, khi một thông tư mới về quản lý game nói chung vẫn chưa được ban hành sau nhiều lần trì hoãn, thì những vấn đề riêng cho game mobile trong quản lý về mặt Nhà nước cũng chưa được thống nhất. Chính vì vậy, gần như “mạnh ai nấy làm”!

Theo quy định hiện hành, tất cả các game do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đều thuộc diện phải xin cấp phép hoạt động. Với thể loại game cho PC hoặc webgame thì số lượng chỉ khoảng vài trăm game, nhưng với thể loại game mobile thì số lượng lên tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu, khó có thể xin cấp phép cho từng game một. Chưa hết, theo phản ánh của hầu hết các doanh nghiệp, thời gian cấp phép vẫn tương đối dài. Vòng đời một game mobile chỉ từ 3 đến 6 tháng, sau 1 năm biến mất. Thế nhưng quy trình xin cấp phép hiện nay là 30 ngày, thậm chí phải 2 - 3 tháng. Đó là điều hết sức bất cập trong việc quản lý - sản xuất - phát hành - kinh doanh game mobile ở thị trường Việt Nam hiện nay đối với các doanh nghiệp trong nước. Chính vì vậy, ông Đinh Quang Huy, đại diện Công ty VTC Online cũng như rất nhiều doanh nghiệp đề xuất: Nên chăng các cơ quan quản lý xem xét và chấp nhận phương án bãi bỏ cấp phép cho từng game mobile, mà chỉ cấp phép cho doanh nghiệp phát hành loại game này. Nếu nội dung game vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc các quy định luật pháp khác thì sẽ thu hồi giấy phép của doanh nghiệp phát hành.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp game, nhất là phát hành game lậu tại thị trường Việt Nam vẫn đang sử dụng các phương thức thanh toán qua thẻ cào điện thoại trả trước, quy mô hàng năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong số các loại thẻ cào được game thủ sử dụng để thanh toán thì đa phần là thẻ trả trước của các nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone... Trên thực tế, bên cạnh việc dùng thẻ cào để thanh toán, các game thủ đang có xu hướng sử dụng cổng thanh toán giao dịch trực tuyến. Ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng Giám đốc VCCorp cho biết, hiện có không ít công ty “ma” phát hành game lậu tại Việt Nam đã đấu nối vào các cổng thanh toán để kinh doanh không phép, khi cơ quan quản lý phát hiện thì nhanh chóng “biến mất”, gây thiệt hại cho người chơi game và các doanh nghiệp liên quan. Một thực tế đang diễn ra là có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thuê một bộ phận ở trong nước Việt hóa game Trung Quốc rồi đưa lên Google Play để thu tiền. Các cơ quan quản lý Việt Nam không thể kiểm duyệt được, cũng không thể yêu cầu gỡ game hoặc xử phạt game này, kể cả khi game vi phạm những quy định của Việt Nam.

Các doanh nghiệp game như VNG, VCCorp, VTC Online... đều cho rằng việc các cơ quan quản lý sớm áp dụng các biện pháp, công cụ chặn lọc ở khâu thanh toán sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các loại game lậu phát triển tại thị trường Việt Nam. Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG cho rằng ngành game đang có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các cổng thanh toán điện tử quốc tế. Ví dụ người dùng điện thoại Apple nếu muốn mua ứng dụng game sẽ phải kết nối thanh toán quốc tế, hoặc nhiều game thủ sẽ dùng thẻ thanh toán Visa, Master để giao dịch. Với các phương thức thanh toán quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam không có nhiều khả năng kiểm soát được vì hoạt động giao dịch thanh toán phụ thuộc các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế hoạt động ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Với các cổng thanh toán nội địa, cũng không thể bắt buộc các doanh nghiệp cung cấp, vận hành cổng phải biết tường tận từng giao dịch qua cổng được chi trả cho sản phẩm, dịch vụ game nào bởi việc này rất khó. Doanh nghiệp không thể kiểm soát 100% hoạt động đi qua hệ thống thanh toán của mình. Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Tân đề xuất nên học hỏi kinh nghiệm của các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng để áp dụng vào hoạt động quản lý giao dịch game. Chẳng hạn đưa ra nhiều tiêu chí bắt buộc các cổng thanh toán phải đáp ứng để giám sát các giao dịch, như nếu phát hiện thấy lưu lượng giao dịch tăng đột biến, giá trị giao dịch phát sinh tới 500 triệu đồng/tháng... thì nhanh chóng cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để lần tìm các dấu vết của game lậu.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục