Quản lý thuê bao trả trước - Tất cả các nhà mạng đều làm sai

100% đều vi phạm và thu lãi lớn

Theo kết quả công bố của Thanh tra Bộ TT-TT, trong năm 2013, tất cả các mạng di động Viettel, VinaPhone, MobiFone, GTEL, Hanoi Telecom đều có sai phạm về quản lý thuê bao di động trả trước.

100% đều vi phạm và thu lãi lớn

Ngày 24-12, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị triển khai Chương trình công tác thanh tra TT-TT năm 2014 và tổng kết thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ TT-TT, cho biết đến nay đã có 6 doanh nghiệp được Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động với tổng số thuê bao tính đến tháng 10-2013 là 120.585.695, trong đó có 113.975.930 thuê bao trả trước. Tuy nhiên, việc quản lý thuê bao trả trước ở tất cả các nhà mạng vẫn đang bị buông lỏng, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng SIM điện thoại di động trả trước để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, như: gửi tin nhắn rác, lừa đảo, đánh bạc, cá độ, chơi lô đề... qua mạng di động.

Khi tiến hành thanh tra Viettel, VinaPhone, MobiFone, GTEL, Hanoi Telecom về quản lý thuê bao di động trả trước, 100% nhà mạng này đều có sai phạm.

Theo đó, vi phạm chung chủ yếu tập trung vào các nội dung: thông tin thuê bao không có ảnh chứng minh nhân dân, hộ chiếu; phần ảnh trên chứng minh lại là ảnh phong cảnh, ảnh diễn viên nghe điện thoại, ảnh em bé... Nhiều số thuê bao có thông tin khác nhau nhưng lại sử dụng chung ảnh chứng minh; Thuê bao có họ tên “lạ” như: adfs AADS, asd jij, Khong Chinh Chu, A B C, Avio Việt Nam… Thậm chí có những nội dung thông tin cá nhân được dùng với những từ rất phản cảm, tục tĩu vẫn được nhà mạng chấp nhận và cung cấp dịch vụ. Theo đối soát, rất nhiều thông tin của chủ thuê bao hoàn toàn giống nhau, chỉ thay đổi số chứng minh nhân dân do cùng 1 tài khoản đăng ký thông tin và kích hoạt trong 1 ngày. Trong năm 2013, Thanh tra Bộ TT-TT đã tiến hành thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước tại 3 doanh nghiệp (VinaPhone, MobiFone, Viettel). Các sở TT-TT đã triển khai thanh tra các trung tâm, chi nhánh của doanh nghiệp và 29.377 điểm đăng ký thông tin, đại lý trên tổng số 48.420 điểm giao dịch trên toàn quốc. Tổng số tiền xử phạt của đợt thanh tra diện rộng là 1.997.270.000 đồng, tịch thu tổng số 34.667 SIM thuê bao di động trả trước.

Trong quá trình thanh tra, phát hiện 3 nhà mạng chiếm phần lớn thị phần viễn thông Việt Nam (VinaPhone, MobiFone, Viettel) đều vi phạm việc tích hợp sẵn ứng dụng trên SIM để bán cho người sử dụng (ứng dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí) nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý/không đồng ý với mức phí đưa ra. Ví dụ, từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2013, dịch vụ có tên IOD tích hợp trên SIM đã đem lại doanh thu hơn 20,67 tỷ đồng cho VinaPhone. Từ tháng 6-2012 đến tháng 7-2013, MobiFone đã hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) để cung cấp 2 ứng dụng SuperSIM và LiveInfo, đạt doanh thu gần 150,6 tỷ đồng. Viettel cũng tích hợp trên SIM phần mềm Viettel Plus với những bất cập tương tự VinaPhone. Trong khi đó, Hanoi Telecom và GTEL đã và đang có chung một số sai phạm trong việc nạp sẵn tiền vào tài khoản SIM chưa đăng ký thông tin, hoặc các thuê bao đã đăng ký thông tin nhưng sau 72 giờ không kích hoạt sử dụng vẫn không bị hủy như quy định, hoặc công tác kiểm tra, giám sát các điểm giao dịch được ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao chỉ mang tính hình thức.

Cần cơ sở dữ liệu tập trung

Bộ TT-TT đề nghị Bộ Công an khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh thư nhân dân thống nhất trong cả nước để hỗ trợ hoạt động quản lý thuê bao di động trả trước. Mặt khác, theo báo cáo của các Sở TT-TT, đang có tình trạng các chủ đại lý không cung cấp kịp thời dữ liệu thuê bao phục vụ công tác kiểm tra dẫn đến kéo dài thời gian thanh tra. Một khó khăn khác, công tác kiểm tra, phát hiện việc vận chuyển, tập kết, thu gom, tàng trữ, phân phối SIM thuê bao trả trước đã được đăng ký thông tin của các “đầu nậu” rất khó khăn, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng quản lý thị trường, phải có nghiệp vụ điều tra, theo dõi của cơ quan công an. Đây cũng là lý do khiến đợt thanh tra diện rộng vừa qua chưa thể thanh tra, kiểm tra đối với các tổng đại lý phân phối SIM thuê bao di động trả trước.

Thanh tra Bộ TT-TT cũng kiến nghị Bộ TT-TT xem xét điều chỉnh một số quy định còn bất cập, không khả thi của Thông tư số 04 về quản lý thuê bao trả trước như chưa có quy định các chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao phải bảo quản, lưu trữ, đảm bảo bí mật các bản sao hoặc quét chứng minh nhân dân, hộ chiếu, dễ dẫn đến tình trạng copy, sao chép, mua bán và sử dụng thông tin cá nhân của người sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; tại một số huyện, xã mà doanh nghiệp viễn thông không phủ sóng nhưng vẫn phải triển khai điểm đăng ký thông tin thuê bao; chưa có quy định về hình thức tổ chức bán SIM lưu động và đăng ký thông tin thuê bao tại các trường học, nơi công cộng...

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục