Công cụ tìm kiếm Việt Nam: Một cổ hai tròng

Công cụ tìm kiếm Việt Nam: Một cổ hai tròng

LTS: Để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ bạn đọc, bắt đầu từ số báo này, Báo SGGP mở thêm trang Khoa học - Công nghệ với kỳ vọng sẽ ghi nhận, phản ánh những thành tựu về sáng chế - chuyển giao - ứng dụng trong lĩnh vực này. Bên cạnh những thông tin về khoa học thường thức, trang Khoa học - công nghệ ra thứ năm hàng tuần cũng là diễn đàn hỗ trợ bạn đọc trong quá trình sử dụng công nghệ. Báo SGGP rất mong nhận được sự ủng hộ và cộng tác của quý bạn đọc, các chuyên gia, nhà khoa học. 

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 25 triệu người sử dụng internet (nguồn: VNNIC), trong đó, các công cụ tìm kiếm trực tuyến, hay còn gọi là các máy tìm kiếm (search engine) được sử dụng khá nhiều. Trong “thế giới” này, doanh nghiệp làm công cụ tìm kiếm trực tuyến Việt Nam đang trong cảnh một cổ hai tròng trước sự lớn mạnh của các tập đoàn nổi tiếng thế giới như Google, Yahoo!...

Ngoại lấn át nội

Không khó để ghi nhận sự “chung sống” trong nhiều năm qua giữa các công cụ tìm kiếm ngoại quốc và nội địa. Google vẫn là trang web đứng đầu về mức độ truy cập. Chữ “Google” nhiều lúc được sử dụng như một động từ với người dùng internet Việt Nam, cho thấy khả năng chiếm lĩnh khó thay thế trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của Yahoo và Bing, nhưng tại Việt Nam các công cụ này ít được sử dụng hơn. Yahoo hầu như chỉ được dùng để chat, thậm chí cả một dịch vụ trước kia được coi là chủ chốt của Yahoo là email hiện cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt trước dịch vụ Gmail của Google. Còn Bing là trang tìm kiếm đã chiếm được thị phần đáng kể, tuy nhiên với nội dung tiếng Việt còn nhiều hạn chế, Bing vẫn chưa chiếm được sự ưu ái của người Việt.

Nhiều nhân viên trẻ đang làm việc tại Socbay.vn - công cụ tìm kiếm của Việt Nam được Google và Yahoo ngỏ ý mua lại

Nhiều nhân viên trẻ đang làm việc tại Socbay.vn - công cụ tìm kiếm của Việt Nam được Google và Yahoo ngỏ ý mua lại

Với các công cụ tìm kiếm mang tính chất nội địa, nếu không tính đến những cái tên xuất hiện rồi lặng lẽ rơi vào quên lãng như Vinaseek của Công ty Tinh Vân thì thị trường này đang có sự góp mặt của các nhà tìm kiếm khác. Có thể kể đến Baamboo.com của Công ty CP Truyền thông Việt Nam nhưng Baamboo hiện không thấy có bước đột phá, cũng không được quan tâm đầu tư như giai đoạn trước. Trong khi đó Xalo.vn của Công ty Tinh Vân lại đang dần chuyển hướng thành trang portal (cổng thông tin điện tử), bớt tập trung hơn vào vấn đề tìm kiếm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hạn chế của Xalo.vn là phát triển dựa trên công nghệ đi mua của nước ngoài nên không thể chủ động về mặt công nghệ. Với trang tìm kiếm Timnhanh, gần như đứt hẳn sau một thời gian dài sử dụng chức năng tìm kiếm của Yahoo. Khi đàm phán với Yahoo thất bại, Timnhanh đã phải chuyển sang sử dụng dịch vụ của Google. Hiện nay Timnhanh cũng đang theo xu thế của một trang portal.

Trong khi đó, Socbay.com của Công ty Naiscorp là công cụ tìm kiếm duy nhất tại Việt Nam được phát triển trên công nghệ thuần Việt, có thể chủ động được về mặt công nghệ nhưng với sức cạnh tranh mạnh mẽ của Google, Socbay vẫn chưa tìm kiếm được thị phần lớn tại thị trường nội địa. Được biết, Socbay hiện vẫn tiếp tục được đầu tư nghiên cứu về sản phẩm và công nghệ… Tuy nhiên, trên mảng tìm kiếm di động, Socbay đang dần chiếm ưu thế và cảm tình của người dùng.

Hướng nào cho công cụ tìm kiếm Việt Nam?

Google chiếm ưu thế tuyệt đối về số người sử dụng, chất lượng tìm kiếm và khả năng bản địa hóa cao. Tuy nhiên, không vì thế mà các công cụ nội địa hết cơ hội. Theo các chuyên gia, bước đầu, mỗi công cụ đã và đang tìm được cho mình một chỗ đứng. Tùy theo định hướng đầu tư và chiến lược kinh doanh của từng công ty mà họ có những bước đi khác nhau. Với khả năng đầu tư chừng vài chục triệu USD, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn phải “chiến đấu” hết sức vất vả trong một thị trường bị chiếm lĩnh đến hơn 90% bởi các đối thủ nước ngoài sừng sỏ, mà đối với họ, vài chục triệu USD chỉ là những con số đầu tư không đáng kể.

Đáng nói hơn, nhiều người cho rằng doanh nghiệp làm công cụ tìm kiếm tại Việt Nam đang sống trong tình trạng “một cổ hai tròng”. Một bên là sự cạnh tranh gay gắt không khoan nhượng của các đối thủ nước ngoài với vô số nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, an toàn an ninh thông tin, như Google, chỉ cần tìm là thấy gần như tất cả mọi thứ. Còn một bên là việc tuân thủ luật pháp một cách triệt để của các công ty Việt Nam làm công cụ tìm kiếm. Như xalo.vn, khi phát hiện trang này có nhiều thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục, an toàn an ninh mạng… liền bị Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông xử lý.

Điều đáng nói, với bản chất không biên giới của internet, hai yếu tố trên đã cộng hưởng với nhau làm cho các công ty Việt Nam bị yếu thế trong cạnh tranh. Chính vì thế, giới làm công cụ tìm kiếm tại Việt Nam cho rằng, nên coi các trang web bình đẳng trước pháp luật và các giới hạn khác về thông tin trên internet. Nếu không kiểm duyệt Google, Yahoo, Bing… tại Việt Nam, cũng nên đối xử công bằng như vậy với doanh nghiệp nội địa. Hoặc ngược lại, áp dụng công bằng các giới hạn với Google, Yahoo, Bing…

Khi không bảo vệ và không tạo điều kiện thuận lợi cho công việc kinh doanh của các doanh nghiệp quốc nội cũng nên tạo thế cân bằng trong cạnh tranh cho họ với các đối thủ nước ngoài, trước khi thị trường nội địa chỉ biết đến các sản phẩm nhập ngoại. Sẽ thật đáng tiếc khi hàng năm, một luồng ngoại tệ không nhỏ chui vào túi của các hãng nước ngoài thông qua con đường thanh toán trực tuyến mà không đóng góp được bất kỳ một đồng thuế nào cho Việt Nam, trong khi vẫn để lại những hậu quả cho xã hội gánh chịu.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục