Phòng vé phim Việt: Thổi phồng doanh thu để câu khách?

Công bố số liệu theo cách chủ quan từ phía nhà sản xuất, phát hành hoặc đôi khi là chiêu trò, chưa có bên thứ ba đứng ra để kiểm chứng thông tin... là thực trạng của hệ thống doanh thu phòng vé tại Việt Nam. Thực tế nói trên vẫn đang được (và phải được) chấp nhận, bởi xét cho cùng, điện ảnh Việt dù đang hội nhập mạnh mẽ nhưng chưa thể coi là ngành công nghiệp thực thụ khi vẫn còn rất nhiều tồn tại. 
Phòng vé phim Việt: Thổi phồng doanh thu để câu khách?

Công bố số liệu theo cách chủ quan từ phía nhà sản xuất, phát hành hoặc đôi khi là chiêu trò, chưa có bên thứ ba đứng ra để kiểm chứng thông tin... là thực trạng của hệ thống doanh thu phòng vé tại Việt Nam. Thực tế nói trên vẫn đang được (và phải được) chấp nhận, bởi xét cho cùng, điện ảnh Việt dù đang hội nhập mạnh mẽ nhưng chưa thể coi là ngành công nghiệp thực thụ khi vẫn còn rất nhiều tồn tại. 

Thật - giả khó đoán

Đầu năm 2017, một số nhà sản xuất, phát hành tại Việt Nam tỏ ra khá bức xúc khi một trang tin điện tử công bố hàng loạt dữ liệu chi tiết cho từng bộ phim, ở các cụm rạp khác nhau, nhưng lại không ghi rõ nguồn cung cấp số liệu. Nếu chỉ nhìn vào những con số nêu ra, doanh thu tại thị trường điện ảnh Việt là vô cùng ảm đạm. Đơn cử, trường hợp Bạn gái tôi là sếp - bộ phim đang nhận được nhiều phản hồi tích cực, theo trang tin trên thì doanh thu tuần từ ngày 2 đến 5-2 chưa đạt con số 4 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mốc 16 tỷ đồng (gần 230.000 lượt người xem) được phía Galaxy công bố ngay sau đó. Theo thống kê của CGV, Bạn gái tôi là sếp luôn nằm trong tốp 3 những bộ phim được yêu thích nhất bên cạnh hàng loạt bom tấn: xXx: Phản đòn, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2, Vùng đất tử thần 2...

Một trường hợp cũng gây nhiều tranh cãi thời gian qua là Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Sau 3 ngày công chiếu đầu tiên, nhà sản xuất công bố doanh thu hơn 21,8 tỷ đồng (tương đương 288.432 lượt người xem). Sở dĩ con số sau khi công bố bị nghi ngờ là bởi, Tấm Cám mất đến 40% thị phần do phim không được chiếu tại hệ thống cụm rạp CGV. Lường trước được tình hình, đạo diễn Ngô Thanh Vân và ê kíp đã đăng tải khá chi tiết số suất chiếu, lịch chiếu cũng như tình trạng cháy vé tại nhiều hệ thống cụm rạp trên khắp cả nước. Tấm Cám: Chuyện chưa kể cuối cùng trở thành phim có doanh thu cao nhất năm 2016 khi gần cán mốc 70 tỷ đồng. 

Khoan nói đến tính đúng, sai hay mức độ tin cậy, doanh thu các bộ phim tại thị trường Việt Nam từ trước đến nay vẫn chỉ mang tính một chiều - tức là do phía các nhà sản xuất, phát hành của bộ phim cung cấp. Đề cập đến vấn đề này, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Hãng phim Sóng Vàng - đơn vị sở hữu cụm rạp Mega GS, cho hay: “Có những con số là chính thức trong khi số khác nhằm mục đích PR vì thực tế không ai cấm họ được hay không được phép công bố. Do đó, thông tin về doanh thu phòng vé nhiều trường hợp là tùy hứng. Tôi nghĩ rằng khi nào Việt Nam có luật nếu công bố sai sẽ bị phạt thì mọi người mới sợ”. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành CGV, khẳng định: “Những con số chúng tôi công bố là những con số thực tế khách quan và khớp với doanh số báo cáo cho các hãng phim”.

Bạn gái tôi là sếp - bộ phim đang được chú ý tại các phòng vé Việt

Vẫn mong bứt phá

Có một điều không thể phủ nhận, thị trường điện ảnh Việt đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Số liệu được ông Nguyễn Hoàng Hải công bố nêu rõ: “Năm 2015, tổng doanh thu tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 105 triệu USD, bao gồm cả phim Việt và phim nước ngoài, sau đó cán mốc 125 triệu USD (2016). Theo dự đoán của chúng tôi, năm nay thị trường phim chiếu rạp của chúng ta có khả năng cán mốc khoảng 155 triệu USD với khoảng 45 triệu lượt khách xem phim”. Sự tăng trưởng đó còn được biểu lộ bằng hàng loạt những cột mốc doanh thu bị xô đổ: 20 tỷ đồng (Giải cứu thần chết - 2009); 42 tỷ đồng (Long ruồi - 2011); 80 tỷ đồng (Tèo em - 2013); 101 tỷ đồng (Để mai tính 2 - 2014) và kỷ lục cao nhất 102 tỷ đồng (Em là bà nội của anh - 2015)...

Đánh giá về thực trạng doanh thu phòng vé tại Việt Nam, bà Nguyễn Khánh Dung cho hay: “Chúng ta vừa có một mùa tết đầy màu sắc với đa dạng các phim Việt và nước ngoài, đây vẫn là dịp thu hút đông đảo khán giả tới rạp. Tuy nhiên, với số đầu phim mùa tết lên tới gần 10 phim, các nhà sản xuất khó đón nhận doanh thu khủng như mọi năm. Ngoài ra, các nhà sản xuất, phát hành đang làm quen với tiêu chí phân loại phổ biến phim theo độ tuổi vừa có hiệu lực đầu năm nay”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải rất tự tin, bởi: “Thị trường chiếu phim của Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt, khoảng 25% mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Với đà phát triển như vậy, Việt Nam có thể nằm trong tốp 10 quốc gia có nền điện ảnh phát triển nhất trên thế giới và sẽ trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam trong thời gian không xa”.

Hướng đến chuyên nghiệp

Liên quan đến việc xây dựng hệ thống thông tin phòng vé tại Việt Nam, hiện cũng có những ý kiến trái chiều. Diễn viên, nhà sản xuất Mai Thu Huyền ủng hộ: “Thị trường điện ảnh Việt cần xây dựng được hệ thống thông tin phòng vé để tạo sự minh bạch, chính xác. Điều này sẽ giúp phản ánh một cách đúng đắn phim nào thực sự có doanh thu, qua đó giúp các nhà sản xuất có thêm bài học về cách chọn đề tài. Đây cũng là kênh thông tin tham khảo giúp khán giả có thêm nhiều lựa chọn trước khi đưa ra quyết định”. Trong khi đó, bà Bích Liên cho rằng việc này không quá cần thiết hay bức xúc, bởi số liệu chính xác đã được cung cấp cho ngành thuế hay gửi về cho các nhà phát hành nước ngoài của các phim ngoại nhập. Tuy nhiên, bà Liên vẫn ủng hộ và sẵn sàng tham gia nếu cục, hội điện ảnh phát động. 

Điện ảnh Việt đang tồn tại rất nhiều hạn chế, trong đó nổi bật lên các vấn đề: chất lượng kịch bản thấp dẫn đến chất lượng phim thấp; chưa có quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh; cơ chế đặt hàng của Nhà nước chưa tạo ra cú hích; chính sách điện ảnh từ lý luận đến thực tiễn còn dài, đôi khi chưa trọng thị; phim Việt chưa thể bán rộng rãi ở nước ngoài... Những vấn đề tồn tại liên quan đến lĩnh vực thông tin doanh thu phòng vé cũng cho thấy tính chuyên nghiệp còn yếu của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền lạc quan, bởi nói như ông Nguyễn Hoàng Hải: “Thực tế, trên thế giới có rất nhiều công ty cung cấp thông tin phòng vé và thông tin này chính xác 100% vì lấy dữ liệu trực tiếp từ hệ thống bán vé của các rạp, như là Rentrak. Tôi nghĩ, trong tương lai gần, các công ty này sẽ có mặt tại Việt Nam và như vậy, chúng ta sẽ có nguồn dữ liệu chính xác và minh bạch nhất”.

Bài học từ Hàn Quốc với quan điểm thông qua việc cung cấp thông tin phòng vé trên mạng nhanh chóng và chính xác, góp phần xây dựng một môi trường phát hành công bằng và rõ ràng; thiết lập một cơ sở, chính sách phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, có lẽ là điều đáng suy ngẫm, học hỏi.

“Ngành điện ảnh, rạp ở Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, các công ty đang dựa trên số liệu, kinh nghiệm nội bộ nên phần nào cũng sẽ có nhiều hạn chế. Chúng tôi nghĩ trong vòng 10 năm tới, với đà phát triển của ngành, không chỉ các cơ quan chức năng mà các công ty, tổ chức nghiên cứu thị trường sẽ nhận thấy nhu cầu về dữ liệu ở ngành này và đưa ra các giải pháp phù hợp”, bà Nguyễn Khánh Dung, Giám đốc marketing Galaxy Studio.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục