Tiêu chí dán nhãn phim chưa rõ ràng

Các nhà sản xuất, phát hành lẫn khán giả chưa kịp mừng khi từ đầu năm 2017 xuất hiện quy định mới về việc dán nhãn phim thì ngay sau đó, hàng loạt bộ phim vẫn bị cắt xén để có thể qua ải kiểm duyệt. Không chỉ phim trong nước, nhiều phim ngoại cũng lâm vào tình trạng này.
Tiêu chí dán nhãn phim chưa rõ ràng

Các nhà sản xuất, phát hành lẫn khán giả chưa kịp mừng khi từ đầu năm 2017 xuất hiện quy định mới về việc dán nhãn phim thì ngay sau đó, hàng loạt bộ phim vẫn bị cắt xén để có thể qua ải kiểm duyệt. Không chỉ phim trong nước, nhiều phim ngoại cũng lâm vào tình trạng này.

Lễ công chiếu ra mắt bộ phim John Wick: Chapter 2 (Sát thủ John Wick: Phần 2) khiến cả nhà phát hành lẫn khán giả đều hồi hộp. Đến giờ họp báo ra mắt phim thì nhà phát hành mới nhận được thông báo phim chưa được cấp phép, buổi chiếu đành thay thế bằng một phim khác. Sau đó, phim cũng qua ải kiểm duyệt và gắn nhãn C18, nhưng dĩ nhiên, một số phân cảnh trong phim đã bị cắt bỏ... 

Cảnh trong John Wick: Chapter 2

John Wick: Chapter 2 chưa phải là bộ phim bị đưa vào tình thế khẩn cấp. Trước khi có lịch công chiếu chính thức, cũng có không ít đồn đoán Fifty shades Darker (50 sắc thái, phần 2) không thể ra rạp. Cuối cùng phim cũng có mặt tại các rạp, gắn mác C18, nhưng điều đáng nói là phim bị cắt khoảng 7 phút, trong đó đa phần là các cảnh nóng. Một số ý kiến cho rằng, sau khi cắt, phim giống dạng ngôn tình nhiều hơn! 

Fifty shades Dark cuối cùng cũng được ra rạp, gắn mác C18 nhưng bị cắt hết 7 phút

Tính từ đầu năm đến nay, hàng loạt phim trình chiếu tại các cụm rạp đều được gắn mác hạn chế khán giả. Đáng nói nhất là trong mùa phim tết cả 4 phim Việt đều bị gắn nhãn. Rừng xanh kỳ lạ truyện và Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu gắn nhãn C13, còn Nàng tiên có 5 nhà, Bạn gái tôi là sếp cấm khán giả dưới 16 tuổi. Lẽ dĩ nhiên, nhà sản xuất phải chịu không ít thiệt thòi bởi thương hiệu phim tết dù đã giảm sức nóng nhưng vẫn là cơ hội để thu hút khán giả. Nhiều nhà phát hành cho rằng câu trả lời từ phía hội đồng kiểm duyệt chưa thực sự thỏa đáng và họ rất ngạc nhiên không hiểu vì sao phim mình bị gắn nhãn.

Trong một diễn biến khác, cũng có phim đã qua ải kiểm duyệt và không bị gắn nhãn hạn chế khán giả là Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2. Trong khi đó, tại hầu hết thị trường nước ngoài, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 bị gắn mác C13 bởi có nhiều cảnh đánh nhau bạo lực, ghê rợn, khêu gợi... nhưng về Việt Nam lại được gắn nhãn P (dành cho mọi đối tượng)!

Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 có nhiều cảnh đánh nhau bạo lực, khêu gợi... nhưng về Việt Nam lại được gắn nhãn P

Quy định mới về phát hành và phổ biến phim khi ra đời cho thấy đó là việc cần thiết (dù muộn màng so với nhiều thị trường điện ảnh) nhưng đang để lộ một số bất cập về tính minh bạch và các tiêu chí trong việc gắn nhãn. Đã có văn bản cụ thể cho việc gắn nhãn từng loại phim, nhưng dường như nó còn khá chung chung khiến các nhà sản xuất có phim bị gắn nhãn chưa cảm thấy thuyết phục, còn khán giả thì cảm thấy thất vọng. Việc cấp phép phổ biến cho mỗi bộ phim cần nhất là sự công bằng, tránh cảm tính.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục