Làm phim còn dễ dãi

Khi số lượng phim điện ảnh Việt ra mắt mỗi năm một tăng, nhưng số phim thành công và gặt hái doanh thu như mong đợi không nhiều. Trong khi đó, không ít phim âm thầm làm, ra mắt rồi chìm vào quên lãng bởi với họ điện ảnh giống như cuộc chơi hơn là sự nghiêm túc với nghề.
Làm phim còn dễ dãi

Khi số lượng phim điện ảnh Việt ra mắt mỗi năm một tăng, nhưng số phim thành công và gặt hái doanh thu như mong đợi không nhiều. Trong khi đó, không ít phim âm thầm làm, ra mắt rồi chìm vào quên lãng bởi với họ điện ảnh giống như cuộc chơi hơn là sự nghiêm túc với nghề.

Tấu hài vụng về

Tại cuộc họp báo trước thềm LHP Việt Nam lần thứ 19 diễn ra cách đây đúng 1 năm, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã rất vui mừng khi chia sẻ, phim Việt đang có những tín hiệu khởi sắc tích cực, tính từ năm 2013, các phim điện ảnh ít bị gắn mác thảm họa, hài nhảm như thời kỳ trước đây. “Chất lượng điện ảnh được cải thiện rõ rệt mang đến nhiều tín hiệu đáng mừng, là liều thuốc quý giá cho các cơ quan quản lý, các nhà làm phim, các nghệ sĩ”, bà Phương Lan nhấn mạnh. Trong khi số lượng phim năm 2016 vẫn tăng, chất lượng là điều rất đáng bàn.

Đầu tháng 12, bộ phim Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ ra mắt và nhận không ít phản hồi trái chiều. Ngoài điểm cộng về mặt hình ảnh với những bối cảnh đẹp của vịnh Hạ Long, phim bị chê bởi kịch bản khá rời rạc, chắp vá; các mảng miếng hài cũ kỹ, lạc nhịp; xử lý tình huống kém duyên...

Một số khán giả tại buổi công chiếu ra mắt đã bỏ về giữa chừng khi phim đang chiếu. Sẽ là nặng lời nếu xếp phim vào dạng “thảm họa” nhưng xét một cách công bằng, bộ phim chỉ nằm ở mức trung bình.

Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ với nhiều khen chê từ dư luận

Nhìn ngược về thời gian, năm 2016 chứng kiến không ít bộ phim được làm cho xong khiến khán giả chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Ngay thời điểm đầu năm, Điệp vụ chân dài được quảng bá là phim làm về những câu chuyện hậu trường của giới showbiz nhưng khi xem, khán giả chỉ thấy những chi tiết nhảm nhí. Lạm dụng chiêu trò giả gái, những cảnh khoe thân đến khó hiểu... khiến những điểm cộng ít ỏi không thể kéo nổi chất lượng bộ phim.

Một thực tế đúng như bà Ngô Phương Lan phản ánh, số lượng phim bị (được) gắn mác thảm họa đã giảm rõ rệt nhưng lại xuất hiện vô số những “bản sao thảm họa” mà nhiều khi xem phim xong, khán giả không biết nên gọi đó là gì? Thần tiên cũng nổi điên có lẽ là trường hợp điển hình. Được chuyển thể từ một vở kịch rất ăn khách nhưng khi lên màn ảnh rộng, phim không khác nào bản “kịch hóa điện ảnh” một cách vụng về. Khán giả từng xem vở này ở sân khấu kịch Thế giới trẻ yêu thích tác phẩm này bao nhiêu khi xem phim nhận lại nhiều thất vọng bởi các chi tiết, tình huống, mảng miếng hài không đủ sự duyên dáng. Chưa kể, phim không tạo nên sự bất ngờ nào nên rất dễ đoán định hồi kết.

Và còn đó những: Mặt nạ máu, Vợ ơi, em ở đâu?, Vòng eo 56, Găng tay đỏ, Bí ẩn song sinh... cũng nhận không ít lời chê.

Đừng “đùa” với điện ảnh

Diễn viên Thái Hòa chia sẻ: “Ở thời điểm hiện tại, có quá nhiều người không biết gì về phim cũng đứng ra sản xuất phim, không biết gì về đạo diễn cũng nhận làm đạo diễn. Một số khác là những nhà sản xuất phim truyền hình nhảy sang lĩnh vực này cũng góp phần làm tan nát điện ảnh. Đó là lý do, một năm dù có đến 50-60 phim ra mắt nhưng chỉ khoảng 10 phim được coi là điện ảnh thực sự, số còn lại chỉ là truyền hình, kịch nói hoặc tấu hài”.

Thực tế đã chứng minh chưa khi nào điện ảnh Việt lại chào đón lắm tân binh đạo diễn, nhà sản xuất đến như vậy với hàng chục tác phẩm đã ra mắt. Nhiều người trong số đó chỉ là đạo diễn các MV, phim ngắn trên mạng hoặc thậm chí bỗng dưng được trao vai trò cao cả này. Xét cả tuổi đời và tuổi nghề, họ đều rất trẻ, nhiều khi kinh nghiệm chỉ là con số không. Khi vị trí thuyền trưởng không đủ năng lực chèo lái cả ê kíp từ vài chục đến hàng trăm người, không hiểu công việc mình đang làm là gì liệu có thể cho ra đời một bộ phim được gọi là điện ảnh?

Sự dễ dãi từ nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên... tất yếu không thể cho ra đời một bộ phim tử tế nhưng, nhiều đoàn phim vẫn thản nhiên tung ra những chiêu bài PR, thậm chí chấp nhận bị chửi với mong muốn được chú ý và không ít trường hợp đã bị bóc mẽ. Con ma nhà họ Vương (đạo diễnVũ Ngọc Đãng) suốt quá trình quảng bá đều tập trung vào những hình ảnh đồng tính nóng hổi giữa các diễn viên chính nhưng khi lên phim không một chi tiết nào xuất hiện. Hóa đơn 88 triệu đồng tại quán bar của Điệp vụ chân dài sau đó nhanh chóng cũng được làm sáng tỏ. Một trường hợp khác, tin đồn Ngọc Trinh mang bầu được xem như chiêu PR cho Vòng eo 56 - bộ phim về cuộc đời cô.

Nhưng, nói như thế không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn mất niềm tin vào phim Việt. “Tôi nghĩ rằng một sản phẩm tốt, một bộ phim tốt sẽ được khán giả đón nhận. Và việc khán giả đón nhận thế nào sẽ quyết định về việc bộ phim đó có hay, có hợp với khán giả hay không”, bà Bùi Huệ Chi, Trưởng phòng Phát hành và Marketing phim, Công ty BHD, cho biết.

Đồng quan điểm đó, diễn viên Thái Hòa còn đưa ra lời kêu gọi: “Tôi hy vọng khán giả đừng vì vậy mà quay lưng với điện ảnh, bởi cuối cùng với cách làm phim như vậy họ đều sẽ chết. Thời điểm này, những người làm phim đàng hoàng rất cần sự ủng hộ một cách có chọn lọc của khán giả”.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục