Cuộc sống đâu chỉ có thế

Ý kiến

Thật ra, đề tài không có lỗi nếu phim làm hay và thuyết phục, hấp dẫn người xem. Nhưng khổ nỗi, mỗi năm điện ảnh Việt chỉ sản xuất vỏn vẹn trên dưới 10 phim, mà phim hướng tới thị trường đã chiếm 3/4 rồi. Nào hài, ma, đồng tính, chuyển giới... nhiều quá khiến người xem có phần bội thực. Không chỉ phim Việt làm về những đề tài này, mà ngó sang phim nước ngoài cũng thế. Xem mãi một thể loại nhiều khi thấy mệt và nhiều phim dở đến… không hiểu được. Có bộ phim ma giống dạng “dọa trẻ con” đến mức nghi ngờ rằng, chẳng lẽ nền điện ảnh đã từng được giải cao ở một liên hoan phim quốc tế uy tín mà lại làm phim như thế này ư? Thầm nghĩ, chắc là do các nhà phát hành của ta nghĩ là phim ma thì ăn khách nên thi nhau nhập về, chứ phim Mỹ, phim Thái, phim Hàn người ta đâu chỉ sản xuất có vậy? Hay là thế giới cũng bí đề tài, bí cốt chuyện như ta chăng?

Ai đó nói văn học nghệ thuật là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống. Điều đó đúng. Nhất là hiện thực cuộc sống ngày hôm nay rất giàu có chất liệu, rất nhiều những đề tài khác thiết thực hơn, lớn lao hơn, hay hơn, nhân văn hơn, cần phản ánh hơn là những đề tài ma, tình dục, đồng tính. Cứ khai thác mấy đề tài này mãi mà không thấy cũ thì cũng thật là lạ. Phim hướng tới thị trường cần câu khách nên đi vào đề tài đó đã đành, dòng phim độc lập (được tiếng trẻ trung, năng động, mới mẻ) cũng lại giẫm lên vết mòn của đề tài đó (sex, đồng tính trong Bi, đừng sợ, Đập cánh giữa không trung...). Chẳng lẽ cuộc sống mênh mông bao la và còn nhiều vất vả nhọc nhằn kia, người dân cũng như khán giả không còn gì để quan tâm ngoài những chuyện đó?

Với những nhà làm phim phía Bắc, có thể theo thói quen, hay nghĩ đến những điều to tát, muốn hướng tới những điều to tát để thể hiện những điều to tát, khi làm phim chăng? Như có người trong ngành đã có lần nói: Điện ảnh phía Bắc là “điện ảnh công chức”. Đội ngũ “công chức” này luôn làm phim đặt hàng về những đề tài lớn: chiến tranh cách mạng, lãnh tụ… rồi bị chê là khô cứng, bị chê là không có gì xuất sắc, vé bán cầm chừng, rạp vắng bóng người xem. Có phim còn bị “đánh” tơi tả vì can tội “tiền nhiều mà phim không hay” nữa. Đó cũng là một sự thực, nhưng như tôi đã nói, đề tài không bao giờ có lỗi. Cũng như đồng vốn nhận từ ngân sách nhà nước hay tư nhân hay từ các quỹ văn hóa nước ngoài cũng không bao giờ có lỗi. Vì nó chỉ là sự hỗ trợ vật chất để nghệ sĩ có điều kiện làm phim. Điều quan trọng nhất là anh đã làm bộ phim đó như thế nào?

Nói bao giờ cũng dễ, làm mới khó. Khán giả chỉ mong được xem những bộ phim hay, miễn nó là đề tài gì. Ở phía Nam, nguồn vốn sản xuất phim phong phú, đa phần là của tư nhân nên họ nắm thế chủ động. Chẳng ai có thể ngăn cấm họ lựa chọn đề tài mà họ thích và họ cho rằng ăn khách. Khán giả chỉ mong muốn tránh đề tài trùng lặp, làm quá nhiều về nó trong khi cuộc sống còn nhiều đề tài khác cũng rất hấp dẫn cần được quan tâm hơn...

NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT

Tin cùng chuyên mục