Marceline Loridan - một tấm lòng bè bạn

Marceline Loridan - một tấm lòng bè bạn

Những ngày cuối hè đầu thu vừa qua, đạo diễn phim tài liệu Xuân Phượng sang thăm Pháp. Giống như những lần đi trước, nghệ sĩ Xuân Phượng tới thăm bạn cố tri - bà Marceline Loridan, vợ góa nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới người Hà Lan Joris Ivens.

Vẫn đường phố và căn hộ thân thuộc trên lầu năm. Thời gian sao trôi quá nhanh. Nhớ năm 1967, khi nghệ sĩ Xuân Phượng và nhiều nhà làm phim nước ta được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ đưa hai vợ chồng J.Ivens và Marceline Loridan vào tuyến lửa Vĩnh Linh quay bộ phim tài liệu Vĩ tuyến 17, cả hai bà mới ở tuổi 36. Nghệ sĩ Xuân Phượng còn nhớ rõ trong buổi tiếp J. Ivens, Bác Hồ đã căn dặn các nhà điện ảnh Việt Nam: “J. Ivens là một nhà làm phim cách mạng. Mỗi bộ phim của ông có sức mạnh như cả một sư đoàn. Các chú các cô Việt Nam đi trợ giúp ông bà J.Ivens phải lấy sinh mệnh của mình ra để bảo đảm cho công việc và sinh mệnh của hai nhà làm phim người Hà Lan”.

Nghệ sĩ Xuân Phượng vừa là bác sĩ, vừa giỏi tiếng Pháp nên được phân công trực tiếp giúp đỡ ông bà J.Ivens. Bà Xuân Phượng còn nhớ rành rõ những kỷ niệm không thể quên của sự đam mê, ý thức nghề nghiệp và tấm lòng vì Việt Nam không quản ngại gian khổ, hiểm nguy nơi đất lửa của ông bà J.Ivens. Bà cũng nhớ rõ bộ phim tài liệu dài Vĩ tuyến 17 của J.Ivens ca ngợi tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống Mỹ mà nhân dân ta tiến hành đã gầm rung thế giới ra sao, khi phim được chiếu ở Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nước khác. Vào năm 1989, lần đầu tiên được sang Pháp, nghệ sĩ Xuân Phượng mang nỗi ân hận: trước đó 10 ngày Joris Ivens đã qua đời.

Nghệ sĩ Xuân Phượng và bà Marceline Loridan.

…Hai người bạn gái xông xáo, ríu ran, yêu đời, yêu nghề năm xưa nay đều đã bước qua tuổi 83. Bước chân đã có phần run rẩy; độ tinh tường của cặp mắt, đôi tai ngày một giảm đi nhưng vòng tay ôm như càng siết chặt hơn. Khi mang trà ra thết bạn từ xa tới, không biết đây đã là lần thứ mấy, bà Marceline Loridan hào hứng giơ cao chiếc khay đựng tách trà kể rằng, chiếc khay này được làm từ mảnh xác của một chiếc “Thần Sấm” bị nhân dân Vĩnh Linh bắn rơi. Bà Marceline Loridan cũng không quên nhấn nhá, mấy chục năm rồi, hễ cứ có khách quốc tế đến thăm bà đều đãi trà họ bằng chiếc khay sắt này. Để bà nói với họ, chính mắt vợ chồng bà đã được chứng kiến chiếc “Thần Sấm” kia bị bắn hạ ra sao. Và ngay từ năm 1967 ấy ông bà đã chắc tin cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam chống Mỹ nhất định thắng lợi. Chìm sâu trong những kỷ niệm về vùng đất đã tới và những người đã gặp, về những năm tháng còn khỏe mạnh, sức vóc, hai nghệ sĩ rưng rưng xem lại từ phút đầu đến phút cuối bộ phim Vĩ tuyến 17. Giữa cái tĩnh mịch, yên ả của một buổi chiều đầu thu ở Paris, bà Marceline Loridan run run điều tiết volume cho máy thu hình vang to để như muốn làm sống động hơn, giàu tính chân thực hơn tiếng phản lực gầm rú trên không, tiếng những loạt pháo từ các căn cứ bên kia sông Bến Hải bắn sang bờ Bắc, tiếng lửa cháy, tiếng khóc than của người bị thương xen trong tiếng hô khẩu lệnh bắn gân guốc, đĩnh đạc, tiếng hát, tiếng cười của các thiếu nữ rửa chân sau giờ trực chiến… Nghệ sĩ Xuân Phượng nhớ rõ, để có được những âm thanh như thế bà Marceline Loridan đã can đảm xông xáo như thế nào giữa một vùng đất dày đặc bom pháo như Vĩnh Linh.

Trong bộ phim Vĩ tuyến 17 J.Ivens có ghi hình, ghi âm cuộc trò chuyện với một chú bé 9 tuổi, tên Đức, mới từ bên bờ Nam sang bờ Bắc. Chú bé Đức có gì đặc biệt mà sống mãi với thời gian trong phim của J.Ivens? Chuyện kể, có một căn cứ Mỹ mà bộ đội trinh sát, đặc công ta không thể nào đột nhập qua các lớp rào vào bên trong để đo chiều rộng, chiều dài và cự ly của các hệ thống phòng ngự. Bộ đội Giải phóng cậy nhờ tới các cháu nhỏ do Đức cầm đầu. Đám trẻ lân la chơi với lính Mỹ, lọt vào bên trong căn cứ bày trò đánh khăng. Chính những con khăng đã giúp các cháu thu thập chính xác những số liệu cần thiết. Và nhờ những số liệu ấy, những nòng pháo của quân giải phóng đã tiêu hủy căn cứ kia…

Nghệ sĩ Xuân Phượng lấy từ trong chiếc túi mang theo mình ra món quà Việt Nam để tặng bà Marceline Loridan. Đó là một nắm hạt tiêu khô bình thường của vùng đất đỏ Vĩnh Linh. Bà Xuân Phượng kể cho bà bạn Marceline Loridan nghe, trước khi qua Pháp lần này, bà có dịp trở lại Vĩnh Linh và gặp Đức - chú bé nhân vật trong phim năm xưa, nay đã thành người đàn ông 56 tuổi. Biết bà Xuân Phượng sẽ qua Pháp, sẽ tới thăm bà Marceline Loridan, ông Đức đôn đáo tìm tới vườn hồ tiêu, xưa kia có căn hầm ông bà J.Ivens đã sống trong thời gian làm phim, mua một nắm hồ tiêu gửi làm quà.

Hai tay ấp lấy bọc hồ tiêu, giữ luôn đôi bàn tay bà Xuân Phượng, bà Marceline Loridan nghẹ ngào, tức tưởi…

TÔ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục