Phát triển điện ảnh, không nên “dàn hàng ngang”

Quy hoạch phát triển ngành điện ảnh theo kiểu “dàn hàng ngang” để tiến sẽ lãng phí và không hiệu quả. Đó là vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất trong Hội nghị trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và TPHCM nhằm lấy ý kiến cho dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 28-11 tại Hà Nội.

Quy hoạch phát triển ngành điện ảnh theo kiểu “dàn hàng ngang” để tiến sẽ lãng phí và không hiệu quả. Đó là vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất trong Hội nghị trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và TPHCM nhằm lấy ý kiến cho dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 28-11 tại Hà Nội.

Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2020, nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành điện ảnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phổ biến phim của các cơ sở điện ảnh; nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của nhân dân tại các vùng, miền và địa phương; có đủ điều kiện và năng lực tổ chức các liên hoan phim và sự kiện điện ảnh lớn của quốc gia và quốc tế. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, điện ảnh Việt Nam có các nghệ sĩ tài năng và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, có vị trí thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Để đạt được mục tiêu này, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết, quy hoạch chú trọng vào hai vấn đề là đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Theo đó, cơ sở vật chất của ngành điện ảnh sẽ được đầu tư theo không gian vùng. Quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 3 trường quay lớn tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, 1 trung tâm kỹ thuật, phía Bắc sẽ xây mới 10 rạp chiếu phim, cải tạo 24 rạp; miền Trung xây mới 15 rạp phim, cải tạo 16 rạp; phía Nam xây mới 24 rạp, cải tạo 8 rạp. Các rạp được xây mới ở ba miền sẽ tập trung cho các tỉnh chưa có rạp chiếu phim. Cũng theo dự thảo quy hoạch thì mỗi vùng, miền cũng chia ba khu vực: khu vực trọng điểm phát triển điện ảnh (một thành phố lớn, trung tâm); khu vực thực hiện nhiệm vụ phát hành và phổ biến phim (các tỉnh vệ tinh); khu vực chiếu phim tại rạp và lưu động (khu vực các tỉnh, vùng sâu vùng xa). Ví dụ, khu vực miền Bắc, Hà Nội sẽ là địa bàn trọng điểm phát triển điện ảnh; các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên sẽ làm nhiệm vụ phát hành phổ biến và cung cấp các bối cảnh phim; các địa phương khác sẽ đảm bảo hoạt động chiếu phim tại rạp và lưu động.

Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi quy hoạch điện ảnh phải nhìn vào thực tế nền điện ảnh và phù hợp với hoàn cảnh kinh tế. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho rằng, số lượng trường quay, trung tâm chiếu phim… như đề ra trong quy hoạch sẽ đòi hỏi kinh phí khổng lồ, chưa kể dự kiến thực hiện trong thời gian quá ngắn. Vì vậy, ông Dương cho rằng, để quy hoạch thành hiện thực, phải xác định đúng việc cần ưu tiên thực hiện và không nên xây thêm trường quay tại Đà Nẵng. Đối với việc xây mới rạp chiếu, nên cân nhắc lại thay vì đầu tư để nâng cấp các phòng chiếu vốn đã quá lạc hậu, cũ kỹ thì nên tổ chức thành một cụm đồng bộ có chất lượng cao.

Vấn đề đầu tư có trọng tâm, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, cần phải tìm mô hình thích hợp cho điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong cuộc chấn hưng của điện ảnh này không cần bắt chước nước ngoài, là họ có cái gì tiên tiến chúng ta cũng phải có. Ông Minh chia sẻ, kỹ thuật số và điện ảnh đang xích lại gần với nhau, có đến 80% phim truyền hình ngày nay giống như điện ảnh, chỉ có điều điện ảnh chất lượng cao hơn. Do đó nhà nước cần có cơ chế để 2 thể loại này bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Những gì nhà nước đầu tư cho truyền hình mà sử dụng được cho điện ảnh ví dụ như trường quay, trang thiết bị hậu kỳ… thì nên sử dung chung, không nên đầu tư tràn lan.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục