
Phấn đấu trở thành con hổ mới châu Á
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, dù năm 2017 đạt được nhiều thành tích nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức trung, dài hạn. Thủ tướng cũng cho biết, khi phát biểu trong cuộc họp giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng đã yêu cầu tăng trưởng kinh tế phải trên mức Quốc hội thông qua, chất lượng tăng trưởng phải nâng lên, năng suất cao hơn, có chuyển biến mạnh mẽ sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp…
Khi được hỏi đâu là điều tâm đắc nhất trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đó là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã tăng 5 bậc, môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc.
Dựa trên yếu tố năng suất
Chia sẻ về khả năng chống chịu của Việt Nam trước cú sốc bên ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải nâng cao khả năng của nền kinh tế. Đó là nâng cao năng suất lao động nhất là năng suất các yếu tố tổng hợp mà đi liền với đó là áp dụng khoa học - công nghệ. Cùng với đó là tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh; có nền giáo dục quốc gia đổi mới…
Trước câu hỏi về định hướng tại đề án tăng trưởng nhanh và bền vững mà Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì soạn thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, sau 30 năm đổi mới, nhất là 15 năm qua, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng. Để tăng trưởng nhanh và bền vững thì có nhiều nội dung nhưng then chốt là nâng cao năng suất lao động. Chủ trương, giải pháp của Đảng thời gian tới sẽ tập trung giải quyết vấn đề này. “Quốc gia có phát triển bền vững hay không là do năng suất và phải có trình độ khoa học, giáo dục tương thích”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nói.
Theo GS-TS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, với Việt Nam, để công nghiệp hóa thì mũi đột phá là năng suất. Đối với một nước còn ở mức thu nhập trung bình, nhất là trung bình thấp, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất. Do đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể, làm cho năng suất lao động tăng nhanh.
Chia sẻ về vấn đề Việt Nam nên đặt ưu tiên gì trong phát triển sắp tới để tăng trưởng bền vững, cao, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng cần ưu tiên 4 điểm. Thứ nhất là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vì đây là yếu tố “cực kỳ quan trọng”. Thứ hai là cải cách thể chế vì đây là cơ hội tốt, yếu tố nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công, cùng với đó là đảm bảo để chính sách được thực thi. Thứ ba là tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng. Thứ tư là đầu tư nguồn nhân lực và điều kiện tiên quyết để có nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng ý với quan điểm của đại diện WB về việc muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đi cùng với đó phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia. Quốc hội Việt Nam đã thông qua các dự án luật quan trọng làm nền tảng khuôn khổ pháp lý để xây dựng nền tài chính công lành mạnh gồm: Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu