Số lượng người đến rạp tăng lên, đẩy doanh thu tăng. Dự báo tình hình thuận lợi này được duy trì trong các năm tới.
Tín hiệu tốt
Theo dự báo của Trung tâm Phát triển thuộc Đại học Kinh tế Saint Petersburg, doanh thu phim tăng 5% - 6%/năm. Đến năm 2020, người dân sẽ góp vào hầu bao các nhà phát hành phim gần 60 tỷ rúp. Chỉ theo kết quả của nửa đầu năm 2017, số người đến rạp ở Nga và Cộng đồng Các quốc gia độc lập tăng 13%, các rạp thu về 31,7 tỷ rúp. Rõ ràng, khi kinh tế khủng hoảng, điện ảnh vẫn là loại hình giải trí phù hợp với người dân - dĩ nhiên có một phần nguyên nhân là giá vé khoảng 250 rúp như năm 2015.
Các số liệu điều tra xã hội học cũng khẳng định sự quan tâm của người dân đối với điện ảnh tăng lên. Ví dụ, kết quả điều tra tháng 8 của hãng khảo sát Romir cho biết nửa năm gần đây có 24% số người Nga đến rạp chiếu phim. Tuy nhiên, chi phí giải trí theo kế hoạch của người Nga trong cùng giai đoạn giảm đáng kể. Nếu như hiện nay người Nga sẵn sàng chi gần 365 rúp cho một lần đến rạp thì 3 năm trước chi phí theo kế hoạch cao gấp 2. Kết quả khảo sát tháng 6 của Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga cũng cho thấy xu thế tương tự. Theo đó, cứ 8 người dân Nga, có 1 người đi xem phim hơn 1 lần trong tháng. Một phần tư số người được hỏi đến rạp chiếu phim ít nhất một vài lần trong năm. Để so sánh, năm 2001, chỉ có 6% số người Nga đến rạp xem phim một số lần trong tháng, và cứ 5 người thì có 1 người xem phim 1 lần trong tháng.
Hỗ trợ lớn từ chính phủ
Trong báo cáo tổng quan, các chuyên gia cho biết phát hành phim là thu nhập chủ yếu (chiếm đến 70% - 80%) của điện ảnh Nga. Số 20%-30% doanh thu còn lại có từ việc giới thiệu phim trên truyền hình, xuất khẩu phim, bán giấy phép video trên Internet… Tuy nhiên, phim Nga không được khán giả nhà ưa chuộng, khi chỉ có 35 triệu người xem trong năm 2016- chỉ chiếm 18% tổng doanh thu (8,6 tỷ rúp). Dẫu vậy, số lượng phim Nga được sản xuất trong những năm gần đây vẫn tăng lên đáng kể. Nếu năm 2014, có 82 phim được phát hành, thì năm 2016, số lượng phim phát hành đã tăng gần gấp đôi. “Bụt nhà có vẻ không thiêng”, khi phim Nga lại hấp dẫn đối với khán giả Trung Quốc. Nếu như năm 2016, doanh thu phát hành quốc tế của phim Nga là 35 triệu USD thì có 24 triệu USD thu từ Trung Quốc.
Tỷ lệ sản xuất phim ở Nga tăng lên là nhờ sự ủng hộ của chính phủ. Trong thời điểm hiện nay, hệ thống tài trợ của nhà nước vẫn là công cụ tài chính mạnh nhất đối với điện ảnh Nga, chiếm khoảng 50% kinh phí. Theo số liệu của Bộ Văn hóa, tổng số tiền cấp cho điện ảnh Nga lên tới 7,2 tỷ rúp năm 2016, tạo điều kiện sản xuất được 95 phim nghệ thuật, 205 phim tài liệu và 170 phim hoạt hình.