Chủ động
Ít ai biết rằng hơn mười năm trước, Nhà văn hóa thể thao (NVH) Tân Thới Hiệp mới được đầu tư xây dựng, rơi vào cảnh hoang vắng, đìu hiu, chẳng mấy khi có hoạt động nên không mấy thu hút người dân. Cũng như nhiều địa phương khác, NVH Tân Thới Hiệp do UBND phường quản lý, đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của người dân. Bộ máy nhân sự vừa thiếu lại vừa yếu, làm việc cứng nhắc, phụ thuộc vào ngân sách của phường phân bổ, ban chủ nhiệm NVH không có tư cách pháp nhân nên không thể giao dịch, tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác theo chức năng, nhất là ở lĩnh vực kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa và khai thác các dịch vụ… Tình thế đó khiến NVH thường xuyên phải đóng cửa, phần lớn hoạt động chỉ phục vụ các cuộc hội họp của phường, lâu dần thành ra “hành chính” hóa. Các hoạt động văn hóa cho cộng đồng nếu có cũng mang tính cầm chừng và rất đơn điệu.
Đứng trước tình trạng hoạt động không hiệu quả, có khả năng gây lãng phí ngân sách địa phương, cuối năm 2008, UBND quận 12 đã mạnh dạn quyết định chuyển giao NVH Tân Thới Hiệp cho Trung tâm Văn hóa (TTVH) quận 12 quản lý.
Từ đây, đơn vị có sự chủ động trong việc mời gọi đầu tư, có kinh nghiệm chuyên môn trong tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, các CLB, đội nhóm, vui chơi, giải trí phong phú, khai thác tốt nguồn lực xã hội hóa và đầu tư nhiều loại hình phù hợp với hoạt động của nhà văn hóa, phục vụ thiết thực những nhu cầu văn hóa của người dân, thu hút đông đảo cộng đồng, tạo uy tín trong xã hội, được dư luận và người dân đồng tình, ủng hộ.
Ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc TTVH quận 12 chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm, phục vụ tốt nhất nhu cầu vui chơi giải trí, thụ hưởng văn hóa của người dân trong phường và khu vực, việc ai quản lý NVH không quan trọng, mà vấn đề quan trọng là NVH phục vụ cho ai?”.
Người dân ủng hộ
“Chiều nào cũng vậy, canh me tầm giờ tan học, thấy nhiều em học sinh cấp 1 đứng tần ngần trước nhà văn hóa, mấy chị em tụi tôi chia nhau tiếp cận và vận động từng đứa một. Các con có thích học hát, học múa không, vào đây các cô chú dạy cho con, không phải tốn tiền đâu. Bạn nào thích học vẽ, học đàn các cô chú ở đây cũng nhận dạy miễn phí luôn. Các con cứ về xin phép ba mẹ rồi đến đây, cô chú sẽ dạy hết. Chúng tôi chào mời các em, qua đó tiếp cận với phụ huynh để thuyết phục cho các em đến học các lớp năng khiếu. Dần dần mới gầy dựng được phong trào như ngày nay”, chị Nguyễn Thị Thức, cán bộ phụ trách CLB nghệ thuật quần chúng nhớ lại.
Nói về những ngày đầu hoạt động chật vật, vừa làm chuyên môn vừa học hỏi kinh nghiệm tại đây, anh Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm NVH Tân Thới Hiệp chia sẻ: “Tùy theo từng địa phương, khu vực, loại hình và nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân sẽ có những hoạt động khác nhau. Nhưng trên tất thảy, làm văn hóa phong cách hành chính là coi như thua. Cái được lớn nhất của NVH Tân Thới Hiệp là luôn được sự quan tâm, hỗ trợ của quận, phường và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tài sản lớn nhất của NVH chính là sự đoàn kết, chia sẻ, là đam mê và nhiệt huyết của tập thể nhân viên”.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, công nhân may ở quận 12, cho biết: “Vợ chồng tôi thường xuyên đưa 2 con đến chơi và tập thể thao miễn phí ở NVH Tân Thới Hiệp. Nơi đây thực sự là điểm vui chơi bổ ích cho các em, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho đối tượng khó khăn là công nhân nhập cư như chúng tôi”.
Thay cho cảnh đìu hiu và hoang vắng trước đây, bộ mặt NVH nay đã khang trang, sáng sủa. Không chỉ thế, cái tên NVH Tân Thới Hiệp còn khẳng định được vị thế và sức thu hút của mình đối với nhiều tầng lớp người dân, cộng đồng dân cư ở trong quận 12 và khu vực lân cận. Đến nay, bên cạnh các CLB thể dục thể thao và các lớp năng khiếu, NVH đã xây dựng nhiều CLB văn hóa nghệ thuật quần chúng như: CLB Họa Mi, CLB Ban Mai (dành cho thiếu nhi và học sinh sinh viên); CLB Lửa Việt (dành cho các đối tượng yêu thích nhạc truyền thống cách mạng và nhạc tiền chiến)...