Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (ảnh).
* Thứ trưởng PHÙNG ĐỨC TIẾN: Tính đến thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đã lây lan 42 tỉnh và thành phố, làm khoảng 1,7 triệu con heo bị chết và phải tiêu hủy để cô lập, ngăn chặn dịch bệnh. Số lượng này chiếm khoảng 5%-6% so với tổng lượng heo của cả nước. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan như hiện nay, cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đều xuất hiện dịch, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với tình trạng heo chết thì đây là vấn đề đáng báo động, đòi hỏi công tác chống dịch cần phải quyết liệt hơn nữa, nghiêm chỉnh hơn nữa. Các địa phương phải phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan huy động tổng lực ngăn chặn, kiểm soát loại dịch bệnh này. Nếu các địa phương không triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống, nguy cơ thiếu nguồn cung thịt heo sẽ xảy ra.
* Hiện nay giá thịt heo đang rất rẻ nhưng dư luận lại lo ngại đến cuối năm có thể bị thiếu thịt heo vì heo đã bị chết nhiều. Có nên khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo, đảm bảo đủ nguồn cung?
* Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp vẫn nhập thịt, nhưng năm nay chúng ta vẫn chưa tính đến việc này vì còn phải xem nhu cầu tới đâu thì mới cho nhập khẩu thịt bổ sung. Còn như hiện tại, nguồn cung vẫn rất dồi dào, đảm bảo đủ cho thị trường, bởi ngoài thịt heo ra thì chúng ta còn có nguồn thịt gia cầm, các loại gia súc ăn cỏ và thủy sản.
* Nhưng mỗi loại trên cũng chỉ đóng góp không nhiều vào sự thiếu hụt thịt heo, vậy có giải pháp nào hữu hiệu hơn?
* Để “lo xa” cho thị trường cuối năm, trước lo ngại có thể bị thiếu thực phẩm (thịt heo) khi dịch tả heo tiếp tục lây lan rộng, mới đây, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cũng có tính đến việc có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tham gia cấp đông để dự trữ thịt heo. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chính sách hỗ trợ 80% giá thị trường theo quy định của Chính phủ, để bù đắp thiệt hại cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy vì nhiễm dịch tả heo châu Phi. Theo giá hiện nay, mức hỗ trợ khoảng 38.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, chúng ta có thể xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cấp đông thịt heo sạch, vì trong 100 con heo hiện nay chỉ có khoảng 5-6 con bị nhiễm dịch, còn lại vẫn âm tính. Bây giờ đem giết mổ để cấp đông dự trữ, nay mai không có nữa thì đưa ra. Tuy nhiên, chính sách này do Bộ Công thương thực hiện nên chúng tôi đề nghị Bộ Công thương có thể nghiên cứu áp dụng, vì nếu triển khai giết mổ, cấp đông heo sạch thì sẽ giảm áp lực phải tiêu hủy.
Ảnh: CAO THĂNG
* Chăn nuôi heo là ngành có truyền thống ở nước ta, thu hút nhiều gia đình, trang trại tham gia. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi heo ồ ạt cũng đặt ra những áp lực lớn về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường trong tương lai. Vì thế, trong chính sách tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT xác định cần khuyến khích, tạo điều kiện, chuyển hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc (gia súc ăn cỏ) để khai thác thịt, sữa. Các mô hình này hiện nay đang phát triển rất tốt tại Hà Nam, Thái Bình, Hòa Bình, Nghệ An, Bình Định… với những trang trại được đầu tư trên quy mô lớn, hiện đại, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phục vụ nhu cầu thị trường. Ngày 26-5, Bộ NN-PTNT cũng vừa tổ chức đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình tham quan mô hình nuôi gia súc lớn, quy mô công nghiệp - theo kế hoạch có tới 5.000 con, của một doanh nghiệp. Đây sẽ là xu hướng chăn nuôi trong 10 năm tới ở nước ta, cần nhân rộng. Trước mắt, Bộ NN-PTNT khuyến khích người dân, các doanh nghiệp hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm và thủy sản để hạn chế những hệ lụy do dịch tả heo gây ra, đồng thời giải quyết bài toán khan thiếu thực phẩm vào dịp cuối năm.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT vừa tiếp tục ban hành văn bản đề nghị 63 tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo, sản phẩm heo không đảm bảo an toàn, làm lây lan dịch bệnh; các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời hoặc gian lận khai báo heo mắc bệnh phải tiêu hủy nhằm trục lợi... Đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người dân có heo bệnh phải tiêu hủy để bà con có điều kiện tái đàn, chuyển hướng chăn nuôi phù hợp, vì hiện nay tiền hỗ trợ vẫn chưa đến được các hộ dân bị thiệt hại. |