Thảm họa tu bổ
Dẫn chứng về thảm họa trong tu bổ tôn tạo di tích thì có thể coi miền Bắc, trong đó Hà Nội là trung tâm, đang chiếm vị trí đầu bảng. Trước và sau năm 2010 được coi là thời điểm “đại trùng tu” của hàng loạt di tích lớn, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Yên ắng được vài năm, di sản lại dậy sóng bởi vụ việc sư trụ trì chùa Trăm Gian tự ý hạ giải nhà tổ, thay vào một công trình mới từ móng đến nóc. Sự việc bị báo chí phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc, song nhà tổ mặc dù được các đơn vị chuyên môn xây dựng nhiều phương án “cứu” nhưng cũng chỉ là hình bóng nhà tổ xưa cũ. Nhiều án kỷ luật đã được đưa ra đối với những người trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý di tích cấp quốc gia này.
Rồi việc đình Ngu Nhuế (ở Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên), công trình kiến trúc lịch sử được cấp hạng cấp quốc gia, cũng bị phá dỡ rồi tự ý di dời sang một vị trí khác mà đơn vị quản lý di tích chẳng hề hay biết. Chưa kể, khi xây dựng, kỹ thuật thi công không đảm bảo, nhiều cấu kiện lắp dựng không đúng theo kiến trúc đình cũ. Chỉ khi những rồng, những phượng, cùng hoa văn mây mác đầu đao gác mái đều bị biến dạng, nội bộ lục đục thì báo chí mới phát hiện và đưa vụ việc ra ánh sáng.
Cả chuyện xây một công trình khổng lồ Hương Nghiêm Pháp Đường ở ngay Thiên Trù, vùng bảo tồn cấp 1 của thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức); chùa Khúc Thủy (Thanh Oai) và ngay tại vùng lõi di sản thế giới Tràng An - Ninh Bình tự dưng mọc lên toàn công trình “khủng” trên núi. Ấy vậy mà khi báo chí phát hiện thì chính quyền địa phương không biết, Sở VH-TT địa phương cho biết không nhận được thông tin gì, còn Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL bàng hoàng khi biết!
Những tưởng, các bài học lớn ấy sẽ khiến địa phương nào được giao quản lý di tích sẽ có ý thức hơn. Nhưng gần đây, đình Lương Xá, ngôi đình 300 tuổi ở Ứng Hòa (Hà Nội) lại bị xóa sổ bởi tu bổ, xây mới. Và ngay tháng 4 vừa rồi, vụ việc trụ trì chùa Bối Khê tùy tiện xây mới cổng tam quan, đình Văn Xá quét sơn đỏ chói… đã một lần nữa khơi lại những nghi ngờ về hiệu quả của xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích cũng như công tác phân cấp quản lý di tích ở địa phương.
Siết lại phân cấp quản lý
Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; 3.491 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt; 164 bảo vật quốc gia. Công tác phân cấp quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử, kiến trúc, văn hóa đã được nhiều địa phương triển khai từ sớm.
Một số nơi, bộ phận dân cư địa phương tham gia vào hoạt động bảo vệ di tích. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương chống xuống cấp và tu bổ nhiều di tích. Song những vụ việc tự ý tu bổ, tôn tạo, không tuân thủ Luật Di sản vẫn là vấn đề nóng.
Nguyên nhân được chỉ ra là đội ngũ làm công tác này hiện thiếu người có năng lực và dư thừa người không có chuyên môn. Việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng con người để vừa tinh giản được số lượng, vừa tăng hiệu suất công việc đang được triển khai nhưng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cũng thừa nhận, nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa vẫn chưa thực sự sâu sắc trong cộng đồng dân cư. Thậm chí, một số tổ chức, cá nhân được giao trông coi bảo vệ di tích vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm, xâm hại mà không phát hiện kịp thời, không ngăn chặn. Bên cạnh những khó khăn về ngân sách thì nguồn nhân lực quản lý di tích các cấp còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, còn chưa xứng với yêu cầu thực tiễn... |
Thực tế, hiện nay người làm công tác văn hóa ở phường, xã do chính quyền địa phương chỉ định, hầu như không được quy hoạch đào tạo từ trước. Việc quản lý các di tích khi đã phân cấp cho cơ sở lại phụ thuộc rất lớn vào những người làm công tác văn hóa cơ sở và chính quyền sở tại.
Chia sẻ về vướng mắc này, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Thành nhận định: “Thực tế, ở nhiều địa phương cán bộ có chuyên môn sâu về quản lý di sản khá hiếm. Để khắc phục, Cục Di sản cũng như Phòng Quản lý di sản ở các tỉnh, thành phố thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho cán bộ và người dân địa phương trực tiếp trông nom di tích. Nhưng đáng tiếc, những vụ việc xâm hại di tích xảy ra gần đây không phải do năng lực cán bộ yếu mà do họ cố tình phớt lờ, không thực thi các văn bản pháp luật về quản lý di tích, di sản. Việc xây dựng công trình trên núi Cái Hạ (Tràng An, Ninh Bình); xây dựng tam quan chùa Bổ Đà (Bắc Ninh)… là những ví dụ”.
Kiến trúc sư Lý Trực Dũng, người đã tham gia vào nhiều công trình trùng tu, tôn tạo di tích, nhận định: “Trùng tu di tích chưa bao giờ là việc đơn giản. Đây là một bài toán khó, không chỉ với một cá nhân nào mà còn rất nhiều nước trên thế giới. Phải đặt ra câu hỏi với thái độ nghiêm túc về giá trị di tích. Nếu không có lịch sử thì đất nước không có gì”.
Cần xây dựng kế hoạch, đề án, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, tăng cường đầu tư cho bảo tồn di tích. Có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với tổ chức, cá nhân đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, kỷ luật nghiêm cá nhân, tập thể để xảy ra những “thảm họa” trong công tác tu bổ, bảo tồn di tích.