Đến lúc thôi dàn trải

Chỉ mới đá được 3 vòng, V-League 2019 sẽ phải dừng lại trong 1 tháng để “nhường” cho việc tập trung đội U.22 Việt Nam đấu vòng loại U.23 châu Á. Như vậy, khởi đầu chậm do “kẹt” Asian Cup, rồi chỉ trong 2 tuần, V-League phải đá 3 vòng gấp gáp và tiếp tục ngưng.

Vòng loại giải U.23 châu Á có quan trọng không? Đương nhiên là có. Với tư cách là á quân của giải 2018 nên nhiệm vụ của đội U.22 năm nay là phải lấy vé dự VCK ở giải kế tiếp (2020). Tuy nhiên, có quan trọng đến mức phải dừng V-League hay không là chuyện cần phải suy nghĩ.

Cần lưu ý là rất ít quốc gia trên thế giới phải dừng giải đấu chuyên nghiệp của mình chỉ để phục vụ đội tuyển U.22, bởi lứa tuổi này không có trong hệ thống thi đấu mà FIFA yêu cầu các CLB phải “nhả” cầu thủ. Đấy là lý thuyết, còn trên thực tế, dự kiến chỉ có khoảng 7-8 cầu thủ hiện đang thi đấu ở V-League sẽ được HLV Park Hang-seo triệu tập cho đội U.22. Số cầu thủ này cũng chỉ tập trung ở 3-4 CLB mà thôi. Không thể vì con số ít ỏi ấy mà phải ngưng V-League, làm ảnh hưởng đến cả chục CLB cũng như hàng trăm cầu thủ khác.

Đấy là chưa nói, điều này làm sút giảm giá trị của V-League một cách thê thảm bởi nó cho thấy, các trận đấu của U.22 quốc gia còn quan trọng hơn cả V-League. Thế nên, có không ít người hâm mộ đã “vô tư” nêu ý kiến: Hay là dẹp luôn V-League cho đỡ tốn kém!

Có thể người hâm mộ không hiểu rằng, nếu không có V-League thì lấy đâu ra cầu thủ chơi cho đội U.22 hay đội tuyển, nhưng với các nhà quản lý thì chắc chắn phải biết vai trò của CLB quan trọng đến thế nào. Thời bao cấp, số CLB còn nhiều hơn bây giờ nhưng đâu có đội tuyển quốc gia mạnh. Chỉ từ khi xã hội hóa, có các nguồn tiền tư nhân đầu tư dài hạn và bài bản, mới có thành tích vượt trội trên đấu trường thế giới. Chính vì thế, cần quan tâm đến lợi ích của CLB. Họ không thể cứ đầu tư tiền thi đấu V-League khi giải đấu số 1 Việt Nam cứ phải chịu thiệt thòi. Lấy ví dụ như CLB Hà Nội, dù đang là đại diện Việt Nam thi đấu ở châu Á nhưng chưa được ưu tiên về lịch thi đấu tại V-League, cứ “cày ải” 3 ngày/trận suốt từ giữa tháng 2 đến nay, không nhận được những ưu đãi như U.22 Việt Nam.

Mùa trước, V-League phải tạm dừng đến 3 lần, với tổng thời gian 5 tháng, để phục vụ đội tuyển. Tất nhiên là sự “hy sinh” đó đã góp phần làm nên những thành tích nổi bật của bóng đá Việt Nam, nhưng đó cũng chỉ là cái lợi trước mắt. Cái hại lâu dài là giá trị V-League kém dần, khán giả ít quan tâm, các đội bóng không mặn mà đầu tư, nhà tài trợ quay lưng với các CLB. Kết quả là chất lượng V-League sụt giảm thì làm sao cầu thủ có thể phát triển nghề nghiệp. Trên thực tế, bóng đá Việt Nam đã từng có giai đoạn khủng khoảng rất lớn từ 2010-2015 chỉ vì V-League đánh mất sức hấp dẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của đội tuyển. 

Bóng đá Việt Nam đã có chút tiếng tăm trên đấu trường châu lục, lẽ ra tính chuyên nghiệp của nền bóng đá cần phải được cải thiện. Đã đến lúc nên thôi dàn trải, ham muốn thành tích ở mọi sân chơi, tập trung quá nhiều vào hệ thống các đội tuyển quốc gia mà xao lãng việc phát triển nền móng từ chính các CLB.

Nếu chúng ta tin rằng đẳng cấp của mình đã thay đổi, thì lại càng cần phải tuân thủ các quy tắc phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, hạn chế những đợt tập trung đội tuyển dài hạn, ưu tiên quyền lợi CLB để khuyến khích họ đầu tư thêm cho những thế hệ cầu thủ tài năng kế tiếp. Nói cho cùng, một giải đấu có đến 14 đội, tốn kém cả ngàn tỷ đồng mỗi năm mà chỉ có vài ba CLB là đóng góp cầu thủ cho đội tuyển, không hẳn là điều tích cực cho lâu dài.

Tin cùng chuyên mục