Sáng nay 16-8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chiến lược kế hoạch hành động cách mạng công nghệ 4.0 nhằm tập hợp ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc chuẩn bị chiến lược cho cách mạng công nghệ 4.0 và xác định các yếu tố chính của chiến lược cách mạng công nghệ 4.0 ở Việt Nam.
Tại hội thảo, TS. Đặng Quang Vinh (CIEM) cho biết, cách mạng công nghiệp đưa các nước công nghiệp hóa thành công lên đỉnh cao phát triển. Đối với Việt Nam và các cuộc cách mạng công nghệ trước đây, do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam không thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ lần 1 và lần 2. Nguyên nhân là do trình độ công nghệ còn thấp và do đó, năng suất thấp, thu nhập còn thấp. Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội phát triển, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia như mục tiêu, kỳ vọng…
Để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, theo TS. Đặng Quang Vinh, chúng ta cần đặt mục tiêu theo lộ trình nào, 5 năm hay 10 năm với mục tiêu cụ thể, số lượng doanh nghiệp công nghệ tham gia, số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kim ngạch xuất khẩu công nghệ, lao động trong lĩnh vực công nghệ... Cách thức thực hiện là Nhà nước trực tiếp đầu tư hay khuyến khích tư nhân phát triển công nghệ.
Đến từ Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore, chuyên gia Singmeng đã trình bày về nghiên cứu và công nghệ (IA) của Singapore, tập trung vào vấn đề làm những gì và làm thế nào (thông qua chiến lược, kế hoạch hành động và các chương trình cụ thể) để tối đa hóa các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Chuyên gia Singmeng nhấn mạnh, tất cả xã hội cần có cách làm việc thông minh, sáng tạo để bù lại nguồn nhân lực thiếu hụt. Bên cạnh đó, cần thành lập cơ quan cấp quốc gia về IA và cơ quan này sẽ giúp vận hành một nền kinh tế thông minh.
Thực tế cho thấy, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những là cách thức chung của các quốc gia. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó đang ngày càng lớn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt là còn “mang lại niềm vui cho các nước đang phát triển, có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn”, TS. Nguyễn Đình Cung chi sẻ tại hội thảo.