Sở Tư pháp TPHCM vừa kiến nghị UBND TPHCM tạm đình chỉ hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp trong thời hạn 3 tháng.
Theo Sở Tư pháp, Văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp có nhiều vi phạm như quản lý không chặt chẽ để các Thừa phát lại của Văn phòng vi phạm nhiều lần về trình tự, thủ tục trong việc lập 85 vi bằng có liên quan đến bà Nguyễn Thị Giang; khi thu chi phí lập 85 vi bằng đã lập các chứng từ kế toán không đúng quy định và vi phạm trong việc kê khai thuế.
Các vi phạm này đã ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội và công tác quản lý đất đai tại địa phương, gây bức xúc trong nhân dân, tạo dư luận tiêu cực đối với hoạt động Thừa pháp lại và việc triển khai chế định thừa phát lại trên địa bàn TPHCM và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo xử lý nghiêm. Do đó, việc tạm đình chỉ hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp trong thời hạn 3 tháng là cần thiết.
Theo Sở Tư pháp, các quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực thừa phát lại chưa chặt chẽ nên Sở Tư pháp đề xuất UBND TP chấp thuận cho Sở Tư pháp báo cáo xin ý kiến Bộ Tư pháp về việc tạm đình chỉ hoạt động thời hạn 3 tháng đối với Văn phòng Thừa phát lại Gò Vấp.
Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng cho biết, trong số 85 vi bằng có sai phạm nêu trên, Thừa phát lại lập 78 vi bằng Nguyễn Đức Thịnh. Đây là hành vi cố ý, vi phạm nhiều lần với số lượng vi bằng lớn, cần xử lý nghiêm khắc. Do đó, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, miễn nhiệm Thừa phát lại đối với ông Nguyễn Đức Thịnh.
Trước đó, UBND TP giao Sở Tư pháp kiểm tra, làm rõ việc Thừa phát lại cấp vi bằng về việc bà Nguyễn Thị Giang tặng cho một số người dân quyền sử dụng đất tại phường Hiệp Thành (quận 12) để đề xuất UBND TP xem xét, xử lý nghiêm các vi phạm và có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động của thừa phát lại trong việc lập vi bằng có liên quan quyền sử dụng đất.
Qua kiểm tra, Sở Tư pháp xác định có 2 Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại Gò Vấp liên quan đến việc lập 85 vi bằng có vi phạm về trình tự, thủ tục quy định. Đó là Thừa phát lại Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng Văn phòng và Thừa phát lại Đồng Quốc Tuấn. Một trong các vi phạm được xác định là các Thừa phát lại này không giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng, gây “ngộ nhận” vi bằng của Thừa phát lại với văn bản công chứng, chứng thực.
Ôm rắc rối khi mua nhà đất qua vi bằng
Nhiều người mua nhà, đất (ở TPHCM) nằm trong khu vực quy hoạch hoặc mua đất nông nghiệp với diện tích nhỏ nên không được sang tên. Thế là họ nhờ đến tổ chức Thừa phát lại lập vi bằng cho việc mua bán và cho rằng, nếu có vi bằng thì coi như việc mua bán hợp pháp rồi.
Nhưng thực tế vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ. Đây không phải là một thủ tục hành chính để bảo đảm giá trị tài sản. Nó cũng không có chức năng như công chứng, công chứng chứng thực việc giao dịch mua bán tài sản. Văn phòng thừa phát lại cũng chỉ ghi nhận lại hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng thực quan hệ giao dịch mua bán tài sản.
Vì thế, nhiều trường hợp đã ôm phải rắc rối khi mua nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng như đã nêu.