Chỉ có khoảng 10% số hộ có thửa liền bờ
Theo Báo cáo của nhóm nghiên cứu được TS Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn CIEM trình bày tại Hội thảo, một đặc điểm quan trọng trong sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam là tính chất phân tán, nhỏ lẻ. Cả nước có khoảng 78 triệu thửa ruộng lớn nhỏ khác nhau; bình quân mỗi hộ có khoảng 2,5 thửa. Trong đó chỉ có khoảng 10% số hộ có thửa liền bờ. Tiềm năng cung của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp có biến động lớn: số hộ sử dụng đất nông lâm thuỷ sản (NLTS) sau 5 năm đã giảm khoảng 1 triệu hộ; nhu cầu đất ở của hộ NLTS cũng giảm.
Đáng lưu ý, liên quan đến quyền tiếp cận đất, Luật hiện hành quy định, tổ chức kinh tế không được nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân (Điều 191, Luật Đất đai).
Thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 50 năm và hạn mức giao đất được khống chế đối với cây hàng năm là không quá 3ha (vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL) và chỉ 2ha đối với các khu vực khác. Hạn mức nhận chuyển nhượng đất cây hàng năm không quá 10 lần hạn mức giao đất.
Đề nghị từng bước chuyển từ giao đất không thu tiền sang cho thuê đất
Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu cho thấy, cản trở lớn nhất đối với người mua, thuê thêm đất là thời gian sử dụng đất ngắn (95%); quy hoạch đang hạn chế cây trồng (32%); thủ tục cấp GCN rườm rà, tốn phí (29%) và hạn điền thấp (24%). Để tăng tính linh hoạt, tạo điều kiện phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, các nghiên cứu viên đã đưa ra nhiều kiến nghị.
Trong đó, về quy hoạch, nên định hướng theo hai nhóm. Quy hoạch cứng là việc Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất không được phép chuyển đổi quyền sử dụng. Quy hoạch mềm là việc Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất có tính tương đồng để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng một cách linh hoạt.
Về hình thức giao, cho thuê đất, đề nghị tiếp tục thực hiện thu thuế nông nghiệp sau năm 2020. Cần đánh giá, xây dựng lộ trình từng bước chuyển từ giao đất không thu tiền sang cho thuê đất, đồng thời xây dựng chính sách an sinh cho những đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Về cấp GCN, cần có biện pháp tuyên truyền, xử phạt những hộ có biến động trong sử dụng đất mà không đăng ký lại.
Về thời hạn sử dụng đất, kiến nghị không nên quy định thời hạn từng bước chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng ổn định lâu dài, đồng nhất với các loại hình đất khác. Song song với đóm đề nghị nới rộng hạn mức nhận quyền chuyển nhượng QSDĐ.
Giải pháp khác là thay hạn mức “cứng” (không quá 10 lần) như hiện nay bằng hạn mức mềm, theo đó sử dụng chính sách thuế luỹ tiến theo mức sử dụng đất.