Chú trọng tổ chức chính quyền tinh gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn
“Là đô thị có vị trí rất đặc biệt trong sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, TPHCM cần được tạo điều kiện để phát huy hết những tiềm năng, lợi thế của mình, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc trao cho TPHCM cơ chế đặc thù, đột phá như dự thảo Nghị quyết đã nêu, thậm chí có thể mạnh mẽ hơn nữa”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh nói với phóng viên bên lề phiên thảo luận tổ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thách thức lớn nhất đối với TPHCM hiện nay là thiếu nguồn lực cho phát triển. “Dự thảo Nghị quyết, với những cơ chế chính sách đột phá sẽ giúp tạo ra nguồn lực. Ví dụ, đất đai là nguồn lực quan trọng, nay TPHCM được phép chủ động hơn trong việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang phát triển công nghiệp - dịch vụ, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đó là một giải pháp”, ông bày tỏ tin tưởng.
Với mục tiêu “thí nghiệm thể chế” để thành công thì nhân rộng trong cả nước, trước mắt ở các đô thị, ông Vũ Hồng Thanh nhận xét, dự thảo Nghị quyết đã có một số đột phá về cải cách hành chính, nhưng vẫn có thể mạnh mẽ hơn nữa theo hướng không trái với Hiến pháp, không trái các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
“Tôi lấy làm tiếc là nhiều năm nay TPHCM đã ấp ủ đề án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền đô thị, nhưng vấn đề này không được thể hiện nhiều trong dự thảo Nghị quyết, thậm chí chỉ đổi tên các phòng ban. Tôi thấy có thể làm mạnh mẽ hơn, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết trung ương 6 về sắp xếp đổi mới bộ máy tổ chức tinh gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn”.
TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM
“Việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết lần này cho TPHCM được thực hiện với tinh thần rất khẩn trương, nhưng quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chặt chẽ, công phu. Những đề xuất này được đưa ra sau khi tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và có ý kiến của Bộ Chính trị. Vì vậy, xin Quốc hội cho áp dụng thủ tục rút gọn, thông qua ngay nhiệm kỳ này, sau 3 năm sơ kết, thì phù hợp để thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo”, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Về đề xuất tăng một số loại thuế, Bộ trưởng cho rằng, mức tăng thuế ngoài khung thì thành phố phải có đề án đánh giá rất cụ thể, nhiều mặt, trình lên Chính phủ và Chính phủ sẽ nghiên cứu, quyết định, trình UBTVQH.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, không phải tất cả các loại thuế đều tăng. “Như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể làm được ngay, nhưng phải có đề án chi tiết. Tinh thần là mở rộng cơ sở thu, đảm bảo hài hòa phù hợp điều kiện thực tế”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, tuy tăng trưởng GRDP của TPHCM tăng gấp rưỡi cả nước, nhưng thu ngân sách và tỷ trọng thu ngân sách giảm; thu hút vốn đầu tư cũng giảm rất lớn. Do đó, để TPHCM là đầu tàu kinh tế phía Nam, trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương thí điểm một số cơ chế đặc thù, đảm bảo sự hài hoà, “cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước”.