Để học sinh thích đọc sách

Hiện nay, nhiều người cho rằng trẻ ít quan tâm đọc sách. Có nhiều lý do về việc này; chẳng hạn, sự quan tâm tạo thói quen đọc sách của gia đình giảm đi, có quá nhiều phương tiện nghe nhìn và giải trí cá nhân, giá bán sách còn cao… 
Chọn mua sách tại Đường sách TPHCM
Chọn mua sách tại Đường sách TPHCM
Ai cũng biết cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến thói quen và sở thích đọc sách của trẻ. Thế nhưng, vai trò của giáo viên và nhà trường trong việc này như thế nào thì ít người nói đến. Kỳ thực, một đứa trẻ học bán trú có đến khoảng 10 giờ (hoặc hơn) ở trường với rất nhiều loại tiếp xúc (ngoài bạn bè còn tiếp xúc với giáo viên, giám thị, thầy cô trong ban giám hiệu…), hoạt động (học trên lớp, sinh hoạt ngoại khóa, ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi…). Trẻ học nội trú thì thời gian còn nhiều hơn. Trong khi đó, ở gia đình trong khoảng 14 giờ, trẻ tiếp xúc với cha mẹ và người thân khoảng 4 giờ, thời gian còn lại để trẻ ngủ nghỉ và sinh hoạt cá nhân. Vậy nên tác động về nhiều mặt, trong đó có vấn đề đọc sách, vai trò của giáo viên và nhà trường là không nhỏ.

Với điều kiện của mình, nhà trường và giáo viên cần có giải pháp để học sinh thích đọc sách hơn. Trước hết, nhà trường cần tổ chức thư viện thực sự thu hút. Hiện một số thư viện trong nhà trường gần như trở thành một nhà kho, không chỉ chứa sách mà còn là nơi để đồ dùng dạy học, các phương tiện, thiết bị khác. Thư viện phải là nơi đọc sách, với bàn ghế, ánh sáng phù hợp, có số lượng sách tương đối nhiều, đa dạng thể loại, được sắp xếp ngăn nắp, khoa học, có người quản lý (để bổ sung sách mới, cho mượn…), được tổ chức quản lý bằng phần mềm (có thể tra cứu từ máy tính), định kỳ được mua thêm những sách mới cần thiết. Lâu lâu có thể vận động học sinh ủng hộ sách, trao đổi sách. Thư viện thực sự trở thành một không gian đọc và học, với không khí thoáng mát, có cây xanh và được trang trí đẹp mắt.

Nhà trường nên định kỳ tổ chức một số cuộc thi về sách. Những cuộc thi này là dịp để trẻ đọc sách, tìm hiểu về một số loại sách, về thư viện, nêu ý tưởng về sách, về thư viện… Qua đó, tạo điều kiện để trẻ quan tâm và yêu quý sách hơn. Những hoạt động này nên tổ chức rộng khắp ở các trường, tuyển chọn học sinh thi cấp quận, huyện để tạo sự lan tỏa lớn hơn. Trong bài giảng, giáo viên nên dẫn ý tưởng, hình ảnh, tư liệu… từ các sách, có nêu nguồn đầy đủ để học sinh tìm hiểu thêm, hoặc gợi ý để học sinh tìm hiểu từ những quyển sách phù hợp. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên có những câu hỏi mang tính gợi mở để trẻ nghĩ đến, có ấn tượng và từ đó chủ động tìm kiếm những sách mà mình quan tâm. Giáo viên môn Vật lý có thể hỏi xem ai là người phát minh ra cột thu lôi, để từ đó giới thiệu với học sinh cuốn Chiến thắng thần sét, cuốn sách nói về nhà bác học Benjamin Franklin, đồng thời là người có công lớn trong việc giành độc lập cho nước Mỹ và tham gia xây dựng nước Mỹ vào ngày đầu hình thành. Giáo viên môn Sinh học nên hỏi cha đẻ của thuyết tiến hóa là ai, hòn đảo mà ông từng đến để từ đó viết nên cuốn Nguồn gốc muôn loài, tác phẩm có ý nghĩa cách mạng về sự tiến hóa của con người nói riêng và thế giới sinh vật nói chung…

Giáo viên, nhà trường có làm được những việc đó sẽ góp phần tích cực làm cho trẻ thích đọc và đam mê với sách hơn.

Tin cùng chuyên mục