Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đã thực sự bùng nổ trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, về mặt bất cập thì ngoài chuyện quảng cáo không tương xứng chất lượng, giá cả bị thả nổi, kinh doanh đa cấp, thì vấn đề quan trọng là chưa có tiêu chí sản xuất, quản lý dễ dãi!
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Muốn “chức năng” gì cũng có
Dạo một vòng thị trường bán buôn bán lẻ dược phẩm tại TPHCM, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng, phong phú chủng loại TPCN. Ghé vô nhà thuốc M.C. trên đường Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1), chúng tôi “choáng” trước một dãy kệ dài ghi rõ “thực phẩm chức năng các loại”. Khi biết ý chúng tôi, cô nhân viên đon đả: “Các anh mua loại nào. Muốn hỗ trợ chức năng gì cũng có. Yếu sinh lý thì có R.K 1 giờ, M.Mạng… Yếu gan, yếu phổi thì có P., E… Gì cũng có”. Chúng tôi hoa cả mắt bởi các loại TPCN, từ đóng gói trong hộp giấy, hộp thiếc, hộp nhựa… Loại nào cũng giúp tăng cường sinh lực, nâng cao thể trạng, ăn ngon, ngủ khỏe, lợi ruột, tốt gan… cho từ trẻ em đến cụ già! Để mục sở thị sự phong phú của TPCN, chúng tôi ghé tiếp nhiều nhà thuốc khác, nhận thấy cũng đều bán hàng trăm sản phẩm TPCN, mà loại nào cũng được dán nhãn công dụng “thần tiên”. Còn chợ sỉ buôn bán dược phẩm trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) là cả một “ma trận” TPCN. “Mấy chú mua loại nào? Loại gì cũng có, đau xương mỏi khớp, chán ăn mất ngủ, hỗ trợ ung thư… Muốn loại gì có liền loại đó, bao nhiêu cũng có”, nhân viên một quầy thuốc vừa nói vừa xếp một chồng TPCN lên trước mặt chúng tôi giới thiệu.
Thực tế thị trường TPCN đã đến độ “hỗn loạn”. Từ nhập khẩu có nguồn gốc đến không rõ nguồn gốc, tự sản xuất trong nước và tự làm giả, làm nhái. Mặc dù công dụng chưa biết thế nào nhưng để làm nên những TPCN ấy là sự tráo trộn thêm nhiều hóa chất, dược chất có thể gây những phản ứng ngoài mong muốn, thậm chí nguy hại. Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện hồ sơ công bố sản phẩm TPCN còn chung chung, không có một tiêu chí, tiêu chuẩn nào và cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo chuyên gia dược học Trần Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chưa có một quy trình, tiêu chuẩn nào cho TPCN, nên cây gì, con gì cũng thành TPCN! “Bùng nổ trong vòng hơn 10 năm qua, TPCN đã chiếm lĩnh thị trường sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng như công bố, quảng cáo”, một chuyên gia y tế cho biết. Vì thế, nếu như người dân tự ý sử dụng, lạm dụng thì hậu quả rất khôn lường…
Bắt cóc bỏ dĩa
Thực tế, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tăng cường siết chặt TPCN trong 2 năm qua. Năm 2015, cục đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng. Trong đó, 203 công ty vi phạm về quảng cáo, tập trung chủ yếu là quảng cáo TPCN. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết qua kiểm tra TPCN thì 35% mắc sai phạm là chưa thực hiện đúng nội dung ghi nhãn so với hồ sơ công bố, 17% chưa thực hiện công bố hợp quy phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 17% chưa thực hiện đúng nội dung quảng cáo thực phẩm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cục đã kiên quyết xử lý, hạn chế thấp nhất sản phẩm vi phạm ảnh hưởng sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, với thị trường gần 20.000 sản phẩm thì khó kiểm soát ngày một ngày hai! Theo các báo cáo của Bộ Y tế, đến nay đã có gần 3.000 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất và kinh doanh khoảng 20.000 sản phẩm TPCN. Theo Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2014 đến nay đã cấp hơn 10.000 giấy phép sản phẩm TPCN các loại!
Vì sao nhiều DN đổ xô vào sản xuất - kinh doanh TPCN? Theo PGS-TS Trần Đáng, Hiệp hội TPCN Việt Nam, hầu hết các DN dược cũng đã nhảy vào sản xuất, kinh doanh TPCN. Các chuyên gia y tế nhìn nhận lý do không chỉ là thị trường “màu mỡ” mà còn có yếu tố các công ty dược hiện xin cấp số đăng ký thuốc quá khó, quá mất thời gian nên chuyển sang sản xuất TPCN cho… khỏe! “Điều kiện sản xuất, tiêu chí sản xuất đơn giản, tự công bố tiêu chuẩn rồi bán ra thị trường”, một giám đốc công ty dược cho biết. Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa theo kịp nên trên thị trường nên TPCN như một mớ hỗn độn. “Hàng thật thì ít mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì chiếm lĩnh thị trường”, ông Trần Đáng nhận định. Do vậy, các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc cần xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN. Nói như chuyên gia dược học Trần Văn Truyền thì TPCN nói chung là hỗ trợ chữa bệnh, là tiệm cận với thuốc nên không thể uống bừa bãi, lung tung được.
Theo Bộ Y tế, hiện thế giới cũng chưa có quy chuẩn quy định chung về điều kiện đối với TPCN. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, sắp tới Bộ Y tế ban hành quy chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với TPCN. Tài liệu hướng dẫn GMP cho TPCN gồm 10 chương quy định về hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự và đào tạo, nhà xưởng và thiết bị, hồ sơ tài liệu, sản xuất và kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng, khiếu nại thu hồi… Và lộ trình cho phép chuyển đổi muộn nhất đến cuối năm 2018.
Tại cuộc họp do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức mới đây lấy ý kiến Luật Dược (sửa đổi), PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng thay vì sản xuất thuốc tây, thuốc đông y, đông dược bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới), các công ty dược, cơ sở đông y, dược liệu đang đua nhau chuyển sang sản xuất TPCN. Trong khi đó, việc sản xuất chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng, cũng chẳng cơ quan nào “thèm” kiểm nghiệm, chứng minh lâm sàng và cũng không cần xin số đăng ký… đang là sự quản lý “dễ dãi” đối với TPCN. |
GIA PHÚ