ĐBSCL: Nước lũ ở Tân Châu đã vượt báo động 1

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: trong ngày và đêm 16-9 ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, dông, lượng mưa phổ biến 30-60mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ.

Ngày 16-9, theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14-17 độ Vĩ Bắc, kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh, nên trong ngày và đêm 16-9 ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, dông, lượng mưa phổ biến 30-60mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ. Nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Tại ĐBSCL, mực nước lũ đầu nguồn đang lên. Cụ thể, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,54m trên báo động 1 là 0,04m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,91m dưới báo động 1 là 0,09m. Trong khi đó, mực nước trên sông Tiền tại Mỹ Thuận 1,80m ở mức báo động 3; trên sông Hậu tại Long Xuyên 2,37m trên báo động 2 là 0,17m, tại Cần Thơ 1,79m xấp xỉ báo động 2…

ĐBSCL: Nước lũ ở Tân Châu đã vượt báo động 1 ảnh 1 Người dân ĐBSCL đánh bắt thủy sản mưu sinh mùa lũ 

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, tận dụng nước lũ đang về nên ngành nông nghiệp phối hợp cùng các huyện, thị… khuyến cáo nông dân tiến hành xả lũ gần 90.200 ha đất trên địa bàn tỉnh; thời gian bắt đầu xả lũ từ nay đến khoảng giữa tháng 10-2019, chiều sâu mực nước xả lũ từ 40 cm đến 80 cm. Sau thời gian xả lũ sẽ tiến hành bơm, rút nước để xuống giống lúa đông xuân 2019- 2020, dự kiến từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12-2019 (tùy theo điều kiện từng địa phương).

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp lưu ý, việc xả lũ là cần thiết nhằm lấy phù sa vào đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế dịch hại, góp phần cải tạo đất… Tuy nhiên, các khu vực xả lũ phải đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu, nhà cửa… của người dân; đồng thời không ảnh hưởng đến những nơi đang canh tác lúa thu đông. Do đó, các huyện, thị cần có kế hoạch xả lũ hợp lý, chủ động những giải pháp ứng phó nếu xảy ra tình trạng lũ cao, mưa lớn… nhằm bảo vệ sản xuất an toàn.

ĐBSCL: Nước lũ ở Tân Châu đã vượt báo động 1 ảnh 2 Lũ về nhiều, cá linh cũng nhiều lên nên giá cá linh sụt giảm so với thời điểm đầu lũ 
Chiều 16-9, ông Bùi Thanh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) cho biết: “Mấy ngày nay nước lũ tràn về khá nhiều, toàn xã có 2.100 ha đất lúa nhưng chỉ canh tác 470 ha lúa thu đông; những nơi không sản xuất lúa thu đông thì nước lũ đã tràn ngập các cánh đồng và người dân vùng biên giới này tranh thủ đánh bắt thủy sản mưu sinh mùa lũ muộn. Do số lượng cá linh tăng lên nên giá cá đã sụt giảm nhiều so với thời điểm đầu lũ. Hiện người dân đánh bắt bán cá linh bán tại nông thôn giá khoảng 60.000 đồng/kg, bán ở các chợ giá khoảng 100.000 đồng/kg…”.

Tin cùng chuyên mục