Ngày 25-5, tại TP Cần Thơ, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị “Đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL” với sự tham gia của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, các tỉnh, thành ĐBSCL chi ngân sách cho giáo dục mầm non, phổ thông thấp hơn bình quân chung của cả nước là 11,9%. Trong đó, thấp hơn bình quân về chi đầu tư là 8,6%, chi thường xuyên 12,5% so với cả nước.
Cụ thể, tổng mức chi ngân sách địa phương cho giáo dục của các tỉnh, thành ĐBSCL chiếm 15,9% tổng chi ngân sách địa phương, trong khi đó tổng số học sinh của vùng chiếm đến 17,5% học sinh của cả nước. Trung bình một học sinh mầm non, phổ thông cả nước được chi ngân sách địa phương là 8.372.000 đồng, nhưng ĐBSCL chỉ được chi 7.380.000 đồng.
Từ đó, kéo theo quy mô, mạng lưới trường, lớp học tại ĐBSCL ở các bậc giáo dục đều thấp hơn cả nước.
Cụ thể, hệ mầm non có 2.029 trường, 20.647 nhóm/lớp nhưng chỉ có 16.940 phòng học (chiếm tỉ lệ 0,82 phòng học/lớp, mặt bằng chung của cả nước là 0,96); tỉ lệ tương tự với hệ tiểu học là 0,89/0,93, THCS 0,73/0,88, THPT 0,84/0,92 so với cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua thực tiễn quản lý và đánh giá khảo sát, có thể thấy có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư phát triển giáo dục của ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Theo đó, chi ngân sách giáo dục của ĐBSCL thấp nhất cả nước, thấp hơn cả những vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, chi bình quân ngân sách cho giáo dục chưa cao, cơ cấu chi bất hợp lý giữa các cấp. Trong khi đó, ĐBSCL đang trong bối cảnh là vùng chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi biến đổi khí hậu.
Đây có thể được xem là "Hội nghị Diên Hồng về giáo dục của ĐBSCL". Thực tế cho thấy, ĐBSCL đang cần những nhóm giải pháp để phát triển giáo dục, trong đó cần quan tâm đến những đề xuất cơ chế chính sách mang tính đặc thù cho vùng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.