Theo ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, khu vực ĐBSCL là vùng đất rộng lớn, có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông. Cụ thể như: du lịch sông nước, sinh thái, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái, sân chim tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; hệ thống biển đảo…
Tuy vậy sản phẩm du lịch vẫn bị trùng lắp, sao chép, nên doanh nghiệp lữ hành phải chọn lọc, chỉ khai thác được một số sản phẩm. Từ đó gây lãng phí tiềm năng của cả vùng. Ngoài ra, đường giao thông chưa thuận tiện cũng chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến lượng khách đến khu vực ĐBSCL.
Ông Bảo cho rằng, các địa phương nên chủ động khai thác các sản phẩm có thế mạnh, gồm các tour như du thuyền, nghỉ đêm trên sông, tour miệt vườn thăm cù lao xanh, tour làng nghề (hoa, cây kiểng)… Chẳng hạn, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng về sen, vậy có thể đầu tư làng nghề làm sản phẩm từ sen; tour khám phá sân chim, tràm chim (Tam Nông – Đồng Tháp), Cồn Sơn (Cần Thơ); tour biển đảo Phú Quốc…
Phát biểu tại buổi sáng cùng ngày, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM khẳng định, liên kết và phát triển là quy luật tất yếu trong kinh tế thị trường. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và không ranh giới địa lý, do vậy, tính liên kết trong phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lợi thế liên kết giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố là du lịch MICE, du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi, thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 14 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.
Năm 2018, du lịch TPHCM và vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được 40,7 triệu lượt khách trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn 3 sao trở lên, đặc biệt lực lượng lao động trong vùng đạt 77.000. Có thể nói đây là những con số khá ấn tượng, thể hiện sự nổ lực và thay đổi từng ngày diện mạo ngành du lịch của TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.