Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 30-5, về công tác xây dựng pháp luật, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM nhìn nhận: “Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cuối kỳ này đã thông qua, nhưng còn nhiều vấn đề lắm, về chính sách, về đất đai, nhiều ĐB đăng ký nhưng chưa được phát biểu”.
Ghi nhận nhiều tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật, song ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong lĩnh vực này. Bà nói: “Tôi thấy trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá những hạn chế, yếu kém, nhiều vấn đề được nêu là tồn tại nhiều năm. Điều chỉnh chương trình là cần thiết, nhưng điều chỉnh quá nhiều thì lại không ổn. Kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng pháp luật cần được nhìn nhận đầy đủ hơn... Quốc hội phải nâng cao hơn trách nhiệm của mình; không thể coi (việc điều chỉnh chương trình - PV) thường xuyên là bình thường, nghiêm túc được”.
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, căn cứ khoa học, thực tiễn trong xây dựng một số đạo luật là chưa đầy đủ, đặc biệt việc bố trí thời gian thảo luận cho một số dự án luật phức tạp chưa thoả đáng.
Lấy ví dụ cụ thể là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà bà cho là “còn nhiều vấn đề lắm”, ĐB phản ánh: “Nhiều ý kiến về chính sách, về đất đai, nhiều ĐB đăng ký nhưng chưa được phát biểu, tôi rất lo lắng. Ví dụ như quy định về HĐND trong dự thảo luật này tính hình thức rất cao. Liệu HĐND có thực hiện được quyền của mình hay không, có đáp ứng yêu cầu thực tiễn không. Chúng ta cũng biết là làm rồi rút kinh nghiệm, nhưng mà đọc luật này thấy chưa ổn”.
Một số vấn đề khác như giao Chính phủ xây dựng nhiều quy định, thậm chí – ĐB Quyết Tâm dẫn chứng - “có việc Luật không giao Chính phủ, nhưng Chính phủ lại quy định trong Nghị định không đúng với quy định của Luật, như Luật Đầu tư công”.
Đại biểu đề nghị UBTVQH tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá toàn bộ công tác xây dựng pháp luật để đánh giá những hạn chế kéo dài và có giải pháp khắc phục.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị UBTVQH giải trình làm rõ nội dung đã nêu tại trang 14 là “các cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thật sự thẳng thắn, còn nể nang, ngại va chạm, xuôi theo ý chí của cơ quan soạn thảo, tính phản biện chưa cao, giải trình chưa sâu”... Tác động của những nhược điểm lớn đó như thế nào?
Về dự kiến sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2019, ĐB nhấn mạnh yêu cầu tập hợp đẩy đủ, xem xét kỹ lưỡng ý kiến đóng góp của nhân dân.