Trong buổi sáng 30-5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và thảo luận về vấn đề này.
Cho rằng việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng pháp luật hiện nay còn khá hình thức, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nhận xét: “Nhiều cơ quan được lấy ý kiến chỉ tập trung góp ý vào lĩnh vực mình có liên quan, còn đều “cơ bản thống nhất”, thời gian lấy ý kiến rất ngắn. Việc lấy ý kiến nhân dân cũng vậy; quy trình, cách thức thực hiện vẫn chưa rõ, nhất là việc xử lý những phản hồi sau khi lấy ý kiến”.
Bà Phạm Thị Thu Trang “hiến kế”, tiếp xúc cử tri là một kênh quan trọng để tập hợp ý kiến nhân dân về xây dựng pháp luật; do đó hồ sơ luật cần được công bố rộng rãi 30 ngày trước kỳ họp để nhân dân có thể tiếp cận, tìm hiểu và kịp thời góp ý với ĐBQH, Đoàn ĐBQH.
Đáng lưu ý, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) cho biết, do không hài lòng với tình trạng chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên thay đổi theo kiểu “đưa dự án vào, nay xin rút, mai xin lùi ngày càng gia tăng, chứng tỏ kỷ cương hành chính chưa nghiêm”, từ kỳ họp thứ 4 ông đã gửi chất vấn đến 17 Bộ trưởng, trưởng ngành về công tác pháp chế. Ông chỉ được 13/17 vị hồi âm. Có 4 vị không trả lời là Bộ trưởng Bộ GT-VT, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và Bộ Nội vụ.
ĐB Nguyễn Phước Lộc cũng đã tự tìm hiểu phân công của các bộ ngành về công tác pháp chế thì thấy có 12 người đứng đầu không trực tiếp phụ trách pháp chế mà ủy quyền cho cấp phó. Trong khi, theo ĐB này, đây là lĩnh vực hết sức quan trọng, có ý nghĩa định hướng cho toàn bộ hoạt động của bộ, ngành…
ĐB Nguyễn Phước Lộc nêu nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh tình trạng này, từ phân công phân nhiệm cho đến củng cố năng lực tổ chức pháp chế và có cơ chế mạnh dạn sử dụng chuyên gia có kiến thức, năng lực chuyên sâu về pháp luật…