Nhưng ngược lại, trẻ đi học bây giờ cũng có cái khổ riêng của thời… công nghệ. Chẳng hạn ở Canada, trẻ bé tí đã vào thư viện làm công trình nghiên cứu. Còn ở Bỉ, tôi xoay như chong chóng: nhắc đứa lớp 5 tuần này có giờ học chữa xe đạp ở trường; bỏ vào cặp đứa lớp 2 mấy đoạn dây đồng, chuột hỏng, máy tính hư và kìm, búa để thầy dạy chữa máy móc; vỏ lon gom thành túi lớn quàng vào cổ con bé út đi mẫu giáo để… chế tạo máy bay, tàu thủy...
Sớm nói về tiền bạc và nghề nghiệp
Đang chọn đồ trong siêu thị, tôi bỗng nghe tiếng trẻ lao xao “Tô ơi, mẹ cậu kìa”. Quay lại, mấy bạn học của con trai đang ríu rít gọi và chỉ về phía tôi. Tô chỉ nhìn lướt qua mẹ, rồi quay ngoắt lại với điều thú vị hơn: cô giáo đang trao tiền cho lũ trẻ 3- 4 tuổi để tự chọn đồ và ra quầy thu ngân học cách thanh toán. Các bà mẹ Việt xa xứ chúng tôi thường nói vui với nhau: người phương Tây hướng nghiệp cho trẻ từ thuở lên ba. Gần dịp Giáng sinh, trẻ em cần quà, cha mẹ cũng cần tiền hơn bao giờ hết. Các tổ chức gia đình, cửa hàng kinh doanh, nhà thờ, nhà trường và chính quyền địa phương nơi tôi ở thường tổ chức một ngày gọi là chợ Đồ cũ. Giấy gửi đến từng hộ gia đình, mời đăng ký chỗ và thu gom đồ cũ mang đến chợ này bán (giá rất rẻ) hoặc tặng cho các tổ chức cứu trợ- từ thiện. Tích cực nhất, háo hức nhất vẫn là bọn trẻ. Chúng sục sạo vào nhà kho, chui gầm giường tìm đồ. Rồi chúng lau rửa, tìm cách sửa món đồ chơi đã hỏng, bọc lại bìa sách đã rách góc, chải tóc và thắt nơ mới cho búp bê... mang ra bày biện trên gian hàng của mình sao cho đẹp mắt nhất. Chúng cũng được cha mẹ ngồi cạnh đó dạy cách rao hàng thế nào, thuyết phục người mua rằng đồ này còn hữu ích ra sao... Tiền thu từ chợ đồ cũ, bọn trẻ được tự quyết định sẽ gửi vào tài khoản tiết kiệm, mua đồ chơi mới, hoặc tặng lại cho trẻ em nghèo.
Ba năm trước, Kate - con gái đầu lòng của chúng tôi vào lớp 7, năm đầu tiên của hệ THCS ở Bỉ. Con bé hào hứng với môn Ngôn ngữ, nhưng khá chật vật với môn Toán. May thay, có “giờ thứ tám”- tức là mỗi tuần ở lại thêm một tiếng sau giờ học để giáo viên giảng kỹ những kiến thức chưa hiểu. Nôm na “giờ thứ tám” tức học thêm hoặc phụ đạo, không phải trả tiền. Kate chọn cách toàn tâm toàn ý học chính khóa, chưa định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên bắt buộc phải theo đủ học trình. Như vậy vất vả hơn em họ Helen 12 tuổi. Helen tuyên bố vào lớp 6 - năm cuối hệ tiểu học sẽ theo khóa hướng nghiệp luôn. Vì chọn hướng nghiệp sớm nên các giờ học chính khóa sẽ được giảm bớt, chỉ nạp kiến thức tiểu học cơ bản nhất. Con bé chọn nghề mộc. Cả lớp hướng nghiệp hơn 20 học sinh, mỗi Helen là con gái hì hục đục đẽo. Bố mẹ Helen dự đoán “Có thể sang năm cô nàng đổi ý. Nhưng hiện giờ cứ để con bé hài lòng với thử nghiệm mới mẻ này”.
Cũng thời điểm ấy, tôi chú ý sự kiện ra mắt cuốn sách Ik was 10 in 2015 (tạm dịch: Tôi lên 10 vào năm 2015) của Pedro De Bruyckere và Bert Smits, cung cấp cho cha mẹ, giáo viên và các nhà giáo dục nhiều cách nuôi dạy trẻ thời mới. Tôi lên 10 vào năm 2015, cũng như nhiều nghiên cứu, chỉ ra rằng trẻ em được đào tạo theo kiến thức mở rộng thường bắt kịp và có xu hướng tìm được nghề nghiệp tốt hơn, sớm hơn. Kiến thức mở cho phép người ta “biết cách học tốt hơn”, linh hoạt hơn, có khả năng phân tích tình huống tốt hơn. Thêm một chuyện vui lan truyền trong giới nhập cư gốc Á vào châu Âu. Ấy là bọn trẻ đang quen được dạy theo kiểu thụ động, nay ngồi học ở lớp của thầy Âu, về nhà thất vọng kêu ca với cha mẹ “Thầy giáo bên này kém. Hình như họ không biết đáp án, chỉ toàn hỏi học sinh là Em nghĩ câu trả lời sẽ là gì? Theo em cách nào đúng nhất? Nếu ở trường hợp này em nghĩ chúng ta phải xử lý thế nào?...”. Chỉ một thời gian ngắn, những phàn nàn này biến mất. Đây chính là cách nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward tâm đắc: Dạy học bao gồm nhiều việc hơn là chỉ trao đi tri thức. Dạy học còn đòi hỏi truyền cảm hứng cho thay đổi.
Một chị bạn của tôi đang sống tại Canada kể rằng ngay khi vào lớp 1, trẻ em đã được chọn đề tài làm các công trình nghiên cứu nho nhỏ. Nếu học về động vật, mỗi con sẽ chọn một loài vật yêu thích và phải đến thư viện tìm hiểu, thu thập tài liệu về loài vật đó. Thực tế, trẻ ở Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung cũng thường đến thư viện từ thuở lên 2. Cứ vào sinh nhật tuổi lên 2, các con tôi lại nhận được quà của thư viện địa phương kèm giấy mời làm thẻ thành viên, có góc đệm ấm thú nhồi bông rất êm để cha mẹ đến đọc sách cho con nghe. Vẫn chị bạn ở Canada kể “Con trai chọn loài khỉ. Mẹ phải đến thư viện mượn sách cho con”. “Công trình nghiên cứu” đầu đời giúp con đạt điểm xuất sắc. Mẹ nhờ vậy cũng am hiểu thêm về loài khỉ sau khi đọc hàng loạt tài liệu cùng con. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa hai nền giáo dục Việt Nam và Canada. Canada áp dụng giáo dục mở/chủ động, trong khi giáo dục Việt Nam tương đối thụ động với hàng loạt bài học thuộc lòng hàng ngày, kiểu vấn đáp rập khuôn khiến trẻ thiếu sáng tạo, không rèn được tính tự lập cao.
Vào trung học, trẻ ở Canada ngoài học Toán, Lý, Hóa, Văn... còn được dạy thêm Kỹ năng làm cha mẹ, Nấu ăn, Khiêu vũ, Diễn xuất, Hướng nghiệp... Đơn giản nhưng thiết thực. Kèm theo nhiều chuyến tham quan khi học Địa lý, Lịch sử. Học sinh các lớp 3, 6 và 9 phải trải qua kỳ thi sát hạch của tỉnh/bang về Toán, Văn (EQAO) để xác định trình độ toàn vùng, từ đó điều chỉnh phương pháp giáo dục nhằm giúp trò học tốt hơn. Vì thế, cứ 3 đến 5 năm một lần, giáo dục Canada lại vào cuộc cải cách lớn. Các trường đại học xét điểm, thành tích ở trường trung học để nhận học sinh mà không cần phải thi đầu vào.
Hạn chế ép buộc, tăng cường khích lệ
Tết vừa rồi về thăm quê đúng dịp nhóm bạn thời đại học rủ họp lớp, tôi gặp lại Hạnh. Mới biết cô định cư tại Đức đã hơn 10 năm. Nơi Hạnh ở hóa ra cách tôi chỉ vài giờ chạy xe. Vợ chồng Hạnh mở một nhà hàng ẩm thực châu Á rất lớn tại Đức. Tôi biết, kinh doanh nhà hàng là bận lắm. Lúc người ta nghỉ, mình phải làm. Và thường qua nửa đêm mới hết việc. Vậy còn thời gian nào cho con? Nhưng không, 2 con của Hạnh đều ngoan ngoãn, học giỏi. Hạnh tâm sự: “Lớn lên trong môi trường Đức và hoàn cảnh của cộng đồng nhập cư như vậy nên tớ nghĩ thành công của bọn trẻ đều xuất phát từ tính tự lập. Ba mẹ hoặc quá bận làm ăn, hoặc cũng do quan điểm nuôi dạy con không ép buộc, giục giã, chỉ khích lệ và động viên thôi. Hai con nhà tớ từ 8 đến 9 tuổi đã phải tự làm hết việc nhà. Đơn giản là ba mẹ không có thời gian làm những việc đó. Em trai hút bụi, bê dọn đồ cho mẹ. Chị gái lau nhà, rửa bát, phơi quần áo... Việc gì làm chưa tốt thì làm lại, ba mẹ không làm hộ. Không xem tivi, không smartphone. Tớ nói với con rằng “Ba mẹ làm việc tốt thì các con cũng học tốt. Cả nhà cùng phấn đấu như thế nhé.” Bây giờ 2 con Hạnh đang học lớp 5 và lớp 6, đều giỏi nhất/nhì trường chuyên thành phố. Cô giáo thường xuyên khen ngợi, nhận xét: “Người gốc Việt đa số giỏi”. Năm học lớp 3 con gái của Hạnh được chọn đại diện học sinh tiêu biểu của thành phố, cùng thị trưởng đi chúc tết bà con.
Dĩ nhiên, Hạnh cũng khẳng định không phải tất cả con em người gốc Việt ở đây đều học giỏi. Những cháu thành tích ở trường không cao thường ra học nghề từ sớm. Ở Đức, từ tiểu học lên THCS đã phân loại học sinh, bắt đầu định hướng nghề nghiệp. Quan điểm xã hội là không phân biệt công việc, ngành nghề. Lương giáo viên có khi không bằng lương người phục vụ bán hàng; lương kỹ sư cũng bằng người thợ sơn... Thu nhập không hoàn toàn phụ thuộc trình độ học vấn mà còn căn cứ bạn có giỏi nghề hay không. Cùng một vị trí làm việc ở ngân hàng, người học nghề 7 năm có khi giỏi hơn người vừa tốt nghiệp đại học tài chính - ngân hàng. Trẻ đi học nghề sớm chưa hẳn đứa trẻ ấy học dốt. Đó có thể là người xuất sắc, thành công đặc biệt về sau. Người Việt sống ở Đức cũng bắt đầu hướng suy nghĩ con cái giỏi việc gì thì cho con làm việc đó.
Có lần dự lễ hội ẩm thực của người Việt tại Hà Lan, tôi gặp chị Hoàng Lan Anh - một trong những người tổ chức sự kiện này. Sống ở đây 13 năm, chị Hoàng Lan Anh không chỉ tích cực trong các hoạt động quảng bá văn hóa Việt tại Hà Lan, gắn kết cộng đồng mà kinh nghiệm nuôi dạy con của chị cũng có nhiều điều khiến người sang sau như tôi muốn học hỏi. Chị chia sẻ: “Ngay từ khi vào học mẫu giáo, trẻ ở Hà Lan đã được dạy học và chơi theo sở thích, khả năng của mình. Trong 8 năm đầu, học luôn cân bằng với chơi. Bố mẹ cũng như nhà trường chủ yếu quan tâm chất lượng học tập, tiến bộ của riêng từng bé. Bé chỉ cần hiểu và nắm vững những gì mình học là ổn. Nếu so về thành tích học tập, 2 con nhà chị đúng là vượt trội so với nhiều bạn Hà Lan trong lớp. Chị nghĩ cũng do bẩm sinh, và còn công cha mẹ rèn giũa, giúp con phát huy năng lực tốt của mình (chứ hoàn toàn không ép). Làm cha mẹ (nhất là cha mẹ Việt) hầu như ai cũng muốn con mình học giỏi, nổi trội hơn người. Chị cũng vậy, song không ép con làm những gì không thích. Về nhà chị hay khen ngợi con và thường hỏi theo dạng mở: Mẹ thấy con giỏi về môn ấy, hay con thử đi học vài buổi xem con có thích không nhé? Nếu con không thích, mình dừng lại cũng được mà”.
Tiếng leng keng vang lên như kẻng hợp tác xã ngày xưa vọng về. Không, là ở châu Âu đấy, thời hiện tại. Trước mắt tôi những đứa trẻ 6 - 11 tuổi đang chạy túa từ bãi cỏ, từ cánh rừng ra, mặt mũi lấm lem, quần áo bê bết bùn đất. Chỉ còn gần 20 ngày nữa là lập xuân, vậy mà bà chúa thiên nhiên lại muốn Giáng sinh quay lại, vung vãi tuyết khắp châu Âu. Bất chấp mưa phùn, giá lạnh, tôi cũng như nhiều cha mẹ khác vẫn gửi con đi sinh hoạt cắm trại, học hướng đạo sinh ngoài trời. Ngày cuối tuần, không đến trường thì chúng theo các anh chị lớn vào rừng học cách tồn tại giữa thiên nhiên. Ra phố tập giao tiếp - giữ khoảng cách với người lạ. Cố gắng thuyết phục một người khách qua đường dừng lại mua bịch kẹo bánh nho nhỏ thu tiền lãi làm từ thiện... Phí tham gia các khóa hướng đạo sinh này trung bình 50eur/năm. Chủ nhật nào cũng đi, và hôm nào về cũng khoe “Con được học cách phục vụ trong nhà hàng, làm nông dân tra hạt nhổ cỏ, được uống nước, ăn bánh ngon lắm”. Với mức phí như vậy, coi như các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương tài trợ là chính. Cũng là cách đầu tư bền vững cho lực lượng lao động sẽ gánh vác xã hội mai sau.