Dạy con từ thuở còn thơ...

Bé Quân (ngụ quận 9, TPHCM) quậy phá, sang cả hàng xóm đánh bạn, nói cách nào cũng không chịu xin lỗi. Anh Chiến nghiêm phạt con đứng góc nhà để suy nghĩ về hành động của mình. Thấy ba chỉ vào góc tường, bé Quân liền nằm lăn xuống đất ăn vạ, vừa khóc vừa gọi mẹ. Chị Quỳnh chạy vào, vội ẵm con dỗ dành đủ kiểu. Đó là một trong rất nhiều nỗi trăn trở của những người ba, người mẹ trẻ trong thời đại hiện nay.

Không thể trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Mười lần như một, anh Chiến muốn “bốc hỏa” vì tính chiều con, bênh con vô điều kiện của vợ. Được mẹ cưng chiều nên từ nhỏ, bé Quân đã ngang bướng, ai nói cũng không nghe, thích gì phải đòi cho bằng được. Ở bất cứ đâu, bé Quân đều có thể lăn ra ăn vạ nếu ai đó không chiều theo ý thích của mình. 

Mỗi lần anh Chiến rèn con, chị Quỳnh lại tham gia. Chị luôn cho rằng con còn bé, chưa biết gì mà phạt. Bởi vậy, chỉ cần anh Chiến có thái độ nghiêm khắc, chị Quỳnh lập tức chặn lời chồng rồi quay ra nịnh con. Trong mắt con, lời nói của anh Chiến không hề có trọng lượng, chuyện gì bé Quân cũng đợi mẹ đi làm về để mè nheo. Cũng từ bất nhất trong cách dạy con, lại được mẹ chiều ra mặt, bé Quân ngày càng hỗn hào, gia đình anh Quân vì thế mà không mấy khi vui vẻ, mối bất đồng của vợ chồng anh càng lớn.

Thực tế, chuyện cha mẹ bất đồng quan điểm trong cách nuôi dạy con không phải hiếm. Cực đoan như cách của chị Quỳnh không nhiều nhưng kiểu chiều con, thoải mái quá mức với con lại tương đối phổ biến. Như gia đình chị Thúy Nhung - anh Đức Thương (ngụ quận 7, TPHCM) cũng vậy. Con chơi đồ chơi bày ra một nhà nhưng không bao giờ chịu dọn. Thấy vợ cằn nhằn con là anh Thương lao vào dọn thay. Trong bữa cơm, nhìn con gắp miếng thức ăn này nhưng không ưng ý thả xuống để gắp miếng khác, thi thoảng bới tung cả dĩa đồ ăn, chị Nhung nhắc nhở thì chồng lại bênh, rằng ở nhà để con thoải mái, muốn ăn gì thì ăn.

Dạy con từ thuở còn thơ... ảnh 1 Mỗi gia đình cần có nguyên tắc riêng cho các thành viên, để cha mẹ không xung đột khi dạy con cái 

“Nhiều lúc ổng như thách thức mình vậy, cứ vợ đánh xuôi thì chồng lại thổi ngược. Bữa trước, đứa con gái lớn mới 12 tuổi, một hai đòi dùng smartphone. Tui động viên con phấn đấu, nếu kết quả học kỳ 1 tốt thì phần thưởng là chiếc điện thoại. Vừa nghe thấy tui bàn với con vậy, ổng đùng đùng chặn ngang rồi rủ con đi mua điện thoại liền. Lúc về, cha con còn bày điện thoại ra như chọc tức mình. Góp ý thì ổng bảo tui xét nét, ki bo với con”, chị Thúy Nhung kể. 

Đỉnh điểm là mới đây, cô con gái vì ham chơi điện thoại mà lơ là việc học, không phụ mẹ chuyện nhà chuyện cửa. Nhiều lần nhắc nhở nhưng con không cải thiện, chị Nhung tịch thu điện thoại, ngắt Internet. Anh Thương không đồng ý với hành động của vợ. Lần ấy, vợ chồng anh lớn tiếng, “chiến tranh lạnh” cả tuần. Chính vì không tìm được tiếng nói chung trong cách dạy con, thành thử lâu nay vợ chồng anh Thương luôn hằm hè, soi mói nhau qua nết ăn, nết ở của con.

Nguyên tắc cho cả gia đình

Cũng từ cách dạy con bất nhất mà các con anh Thương rất biết cánh “lách” để lấy lòng ba, mẹ. Có những chuyện, con chỉ nói với mẹ hoặc chỉ tỉ tê với ba. Trong khi đó, vợ chồng anh Thương không mấy khi bàn với nhau về việc rèn giũa, dạy bảo các con nên không ít lần anh hoặc chị nhận được những “bất ngờ” không mấy vui vẻ. Con cái đã vậy, vợ chồng anh Thương cũng ra sức mạnh ai nấy kéo các con về phía mình bằng những cuộc phản pháo đối phương ngay trước mặt con.

Khác với gia đình chị Quỳnh hay gia đình anh Thương, ai đến nhà anh Trần Huy Long (ngụ quận 2, TPHCM) cũng cảm mến về thái độ lễ phép và nề nếp của 2 đứa trẻ. Những việc nhỏ như muốn coi tivi hay xem YouTube trên điện thoại, vợ chồng anh Long thống nhất, ba hoặc mẹ có thể quyết định ngay cho con. Nhưng với những chuyện lớn hơn như mua món đồ chơi chẳng hạn, trẻ nhà anh Long phải nhận được sự đồng thuận của cả ba và mẹ.

“Dù trong bụng có đồng ý với con thì tôi vẫn luôn đề nghị con xin thêm ý kiến của mẹ. Chúng tôi làm vậy để con hiểu rằng, mọi thứ liên quan đến con đều phải có sự thống nhất của cả ba và mẹ. Đó cũng vừa rèn con nguyên tắc sống, vừa thể hiện vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình”, anh Long chia sẻ. 

Vợ chồng anh Long cũng tuân thủ nguyên tắc, khi vợ hoặc chồng dạy con, phạt con thì người kia không được can thiệp. Nhờ vậy mà con cái có chuyện gì, vợ chồng anh đều biết và thống nhất cách cư xử, giải quyết vui vẻ nhất.

Ngay từ khi con còn nhỏ, vợ chồng chị Thảo Nguyên - anh Thanh Cẩn (ngụ quận 12, TPHCM) cũng đã nghiêm túc thảo luận và thống nhất dạy con. “Trong nhà phải có người nghiêm khắc, người mềm mỏng nhưng nhất quyết không được bênh con trước mặt chúng khi nửa kia đang nhắc nhở, rèn giũa”, anh Cẩn thẳng thắn nói.

Tính chị Nguyên hay xót con, nhưng mỗi lần thấy chồng phạt con, chị đều lánh đi chỗ khác. Sau đó, chị sẽ là người phân tích để con hiểu chuyện hơn. Dĩ nhiên, trong mỗi lời nói, chị luôn thể hiện quan điểm để các con thấy kỳ vọng của ba cũng là kỳ vọng của mẹ. 

Uốn nắn một đứa trẻ là cả một chặng đường dài và chưa bao giờ đơn giản. Gia đình nào, người làm cha, làm mẹ nào cũng sẽ có những lúc xung đột, bất đồng trong cách dạy con. Song, nếu có nguyên tắc riêng cho các con và cho chính cha, mẹ thì những xung đột ấy sẽ dần được khắc phục, sẽ tìm được tiếng nói chung để cùng nuôi dạy các con nên người.

Tin cùng chuyên mục