Cụ thể, trên thị trường tiền tệ, trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và đóng cửa chính phủ kéo dài, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất chậm hơn và chính thức phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất. Đồng USD vì thế cũng giảm giá khá mạnh so với các đồng tiền khác như bảng Anh, nhân dân tệ.
Đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mặc dù chưa có thỏa thuận cụ thể được đưa ra nhưng những cuộc gặp các cấp giữa 2 nước liên tục được tổ chức cũng thể hiện sự tích cực và thiện chí của 2 bên. Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) liên tục bơm ròng thông qua hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hoạt động thị trường mở để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy, đồng nhân dân tệ tiếp tục đà hồi phục…
Ở trong nước, các thông tin tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 về tăng trưởng kinh tế, cán cân xuất nhập khẩu, chỉ số lạm phát… và áp lực quốc tế giảm bớt, gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối đã giải tỏa áp lực với tỷ giá. Trong giai đoạn cao điểm về kiều hối chuyển về nước, ngay từ đầu tháng 1, Ngân hàng Nhà nước đã tăng mạnh tỷ giá mua vào thêm 500 đồng/USD, lên 23.200 đồng/USD và hút được tới 4 tỷ USD.
Cũng theo ông Linh, với tình hình hiện tại, lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện nay, thậm chí có thể giảm. Tuy vậy, các rủi ro từ diễn biến quốc tế vẫn còn và có thể thay đổi cục diện rất nhanh nên rất khó để đưa ra đoán định diễn biến trong trung và dài hạn.