Đập nước ở Đông Nam Á: Hiểm nguy rình rập

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, tại Lào và Myanmar đã xảy ra 2 vụ vỡ đập nước, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người.
Sơ tán dân do vỡ đập thủy lợi tại Myanmar
Sơ tán dân do vỡ đập thủy lợi tại Myanmar

Những báo động về an toàn của các con đập cũng như tác động khác về môi trường đã từng được nhiều chuyên gia cảnh báo, song việc xây dựng đập vẫn tăng ồ ạt.

Cứu hộ sau thảm họa

Có tới 85 ngôi làng bị ngập lụt ở Myanmar sau khi một con đập vỡ ngày 29-8 buộc hơn 63.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo Reuters, các nhân viên cứu hỏa, quân đội và các quan chức đã phát động nỗ lực cứu hộ vào ngày 29-8 sau khi đập tràn đập vỡ tại Swar Chaung, miền Trung Myanmar. Một dòng nước cao đến 2,4m ập vào ngôi làng ở hạ lưu của vùng Kyun Taw Su, cạnh đập Swar Chaung.

Hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy binh lính sử dụng bè tre tạm thời và thuyền kayak để di tản người dân khỏi nhà và cửa hàng bị ngập lụt. Thảm họa một lần nữa cho thấy những lo ngại về an toàn đối với các con đập ở Đông Nam Á.

Hiện nay, nước đã rút đi, nhưng ít nhất 2 người vẫn còn mất tích. Ngoài số người bị mất tích và phải sơ tán, một phần của đường cao tốc bị ảnh hưởng. Giao thông giữa các thành phố lớn như Yangon, Mandalay và thủ đô Naypyitaw đã bị gián đoạn sau khi nước từ con đập làm hư hại những cây cầu trên đường cao tốc nối các thành phố này.

Mặc dù con đập này chỉ là đập thủy lợi, song do tích nước quá nhiều vào hồ chứa để sử dụng trong mùa khô sắp tới khiến vỡ đập. Các nhà chức trách đang tiếp tục điều tra nguyên nhân. Nhiều người mất nhà cửa và tài sản dự kiến sẽ yêu cầu chính quyền khu vực bồi thường. Một số đập nước tại Myanmar đã được cảnh báo nguy cơ tràn, vỡ trong tháng 8 nhưng đã bị nhiều chủ đập làm ngơ. Con đập bị vỡ được xây dựng trên lạch Swar năm 2004 có thể chứa 267 triệu m³ nước để tưới hơn 8.100ha đất nông nghiệp.

Xây dựng đập ồ ạt

Các đập nước nói chung, trong đó có đập thủy điện trên sông đang làm tổn hại đến trữ lượng cá và làm xói mòn độ phì nhiêu của đất, có khả năng gây nguy hiểm cho tương lai của nhiều khu vực hạ lưu sông. Riêng sông Mekong có khoảng 11 đập trên dòng chính và hơn 100 đập trên các nhánh sông được lên kế hoạch xây dựng xong vào năm 2040. Tình trạng thiếu điện và thiếu nước tưới ở Đông Nam Á làm cho việc xây đập thủy điện và thủy lợi trở nên cấp bách, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp giảm nghèo đói ở khu vực nông thôn.

Dự trữ thủy sản trên sông Mekong dự kiến sẽ giảm tới 40% do các dự án thủy điện gây ra, theo một báo cáo vào tháng 4 của Ủy ban Sông Mekong (một tổ chức do các bộ trưởng từ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam điều hành) các đập làm giảm lượng trầm tích chảy xuống hạ lưu, làm giảm độ phì của đất. Nếu không có trầm tích, các con sông và kênh rạch sẽ bị xói mòn gây ra tình trạng sạt lở, đẩy nhiều nhà cửa, cây trồng và cơ sở hạ tầng xuống nước.

Ông Marc Goichot, chuyên gia về nước tại Chương trình Greater Mekong của Quỹ Động vật hoang dã thế giới, cho biết: “Trước khi có con đập đầu tiên vào năm 1990, sông Mekong đã cung cấp 160 triệu tấn trầm tích mỗi năm và đến năm 2014, con số đó đã giảm hơn một nửa”.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng một số đập đã được xây dựng kém và có thể dẫn đến các thảm họa khôn lường. Tháng trước, một con đập khác đang được xây dựng ở miền Bắc Lào cũng bị vỡ sau những trận mưa lớn. Các nhà khoa học cảnh báo, các hiện tượng thời tiết không thể đoán trước và khắc nghiệt có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu và vì vậy lượng nước mưa cũng ngày càng nhiều hơn, đẩy các con đập vào tình thế nguy hiểm hơn trước.

Tin cùng chuyên mục