Đây là cơ hội để các nhà quản lý báo chí, cơ quan báo chí, nhà báo giao lưu, gặp gỡ, trao đổi thông tin về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nền báo chí nói chung và quá trình tác nghiệp của nhà báo nói riêng. Đồng thời, tạo mối quan hệ gắn kết giữa các cơ quan báo chí với cơ sở đào tạo báo chí nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng sự thay đổi của báo chí nước ta.
Tọa đàm xoay quanh 3 vấn đề: Thuận lợi và thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện nay; Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trước sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, công nghệ làm báo mới và báo chí đa nền tảng; Vấn đề tác nghiệp của nhà báo, đạo đức người làm báo trong sự bùng nổ thông tin, sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin của bạn đọc và phương cách đào tạo báo chí trong CMCN 4.0.
Các đại biểu trao đổi nhiều vấn đề về thách thức của báo chí trong CMCN 4.0, lãnh đạo cơ quan báo chí quan tâm đến hướng đi, sự đổi mới; các nhà báo quan tâm đến vấn đề làm thế nào để bắt nhịp được với xu thế; các giảng viên báo chí trao đổi xung quanh câu chuyện về việc đào tạo những thế hệ nhà báo tương lai hội tụ nhiều kỹ năng nhưng vẫn giữ được nền tảng của đạo đức báo chí… Hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, CMCN 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.
TS Trần Quang Diệu, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, CMCN 4.0 làm xuất hiện nhiều xu thế truyền thông như: sự bùng nổ của video trực tuyến; sự kết hợp của các nền tảng dịnh vụ mạng xã hội; thực tại ảo sẽ được tăng cường; cá nhân hóa trong truyền thông… Điều dễ dàng nhận ra là có sự hội tụ của nền tảng công nghệ trong việc sản xuất các sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, để đáp ứng xu thế mới này, các cơ quan chức năng, đơn vị báo chí cần phải quan tâm hơn đến việc đầu tư hạ tầng cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; có môi trường pháp lý rộng mở; phát triển đến kinh tế báo chí truyền thông và an ninh truyền thông.
Tổng kết cuộc tọa đàm, nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng, trong những yêu cầu của người làm báo trong CMCN 4.0 có một yêu cầu mà không thể đánh giá là “4.0 hay 5.0” đó là đạo đức của chúng ta, thái độ của chúng ta với sự thật, trách nhiệm con người nhân văn của chúng ta đối với tin tức. Đó chính là giá trị cơ bản, xuyên suốt của nghề báo.