Sương sớm còn bảng lảng, từ thành phố Hà Giang, chúng tôi ngược quốc lộ 4C qua cổng trời Quản Bạ lên huyện lỵ Đồng Văn. Quãng đường 150km khi len dưới khe sâu, lúc men theo những vách đá tai mèo lởm chởm kề bên vực sâu hun hút. Mặt trời đứng bóng chúng tôi mới tới được Lũng Phìn.
Vào trụ sở UBND xã Lũng Phìn trình bày ý định đi tìm cây trà cổ, anh Ly Mí Pó, Chủ tịch xã, lập tức tình nguyện dẫn chúng tôi đi thăm món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này.
Sạch, ngon và quý
Đi xe máy, lúc cuốc bộ vượt qua nhiều chặng đường quanh co giữa những biển đá tai mèo xám ngắt, sắc lẻm, chúng tôi mới đến được vườn trà cổ tại thôn Cán Pẩy Hở A nằm ngay trong vườn nhà ông Sùng Sung Xá. Gia đình người Mông này có ba thế hệ ở cùng một nhà và là nhà chế biến trà cổ Lũng Phìn nổi tiếng trong vùng.
Sáng nay, ba đứa trẻ dậy từ mờ đất, trèo lên những cành cây trà um tùm gốc to đến một, hai người ôm, chọn những tôm, lá trà non mỡ màng, dùng hai móng tay cái và trỏ cấu nhẹ, búp và hai lá tiếp theo của trà rơi nhẹ vào lòng bàn tay... Mặt trời ló lên khỏi dãy núi thì mỗi đứa hái được đầy một quẩy tấu, gùi về trải ra sân nhà phơi héo trong khoảng hơn hai giờ. Hai vợ chồng ông Sùng đang sao trà. Phương pháp sao trà vẫn thủ công hoàn toàn, nhưng khác biệt với dưới xuôi người ta dùng gas, điện còn ở đây bà con dùng lá, thân và lõi ngô (bắp) phơi khô để đun lửa sao trà.
"Ngày xưa thứ trà này quý, hiếm lắm, chỉ đủ cho vua Mèo dùng làm quà biếu thôi chứ dân làm ra cũng không có mà uống. Nay đỡ hơn nhưng ai muốn mua vài cân cũng phải đặt trước cả tháng" Sùng Chứ Tủa, 61 tuổi, |
Âm thầm ngồi một góc nhà, đôi mắt sắc khẽ cụp xuống chăm chú nhìn ngọn lửa, đôi tay của vợ chồng ông Xá đảo, vò những cánh trà, thêm bớt lửa lò. Bỗng đôi cánh mũi phập phồng mạnh, liên hồi, một người đàn ông đứng phắt dậy, bước nhanh đến bếp lò, thò 3 ngón tay phải bốc nhẹ một nhúm trà trong chảo gang thả xuống lòng bàn tay trái, dàn đều, nâng lên nhìn, ngửi, khẽ nhấm một cánh trà xoăn tít, trắng như tuyết. “Được rồi!”, ông khẽ nói kèm cái gật đầu. Đó là bố ông Xá, tuổi bát tuần, linh hồn của những mẻ trà. Thẩm định xong mẻ trà sao suốt hơn 2 giờ, ông tươi tỉnh hẳn lên và đi tráng ấm chén pha ấm trà mới mời chúng tôi. Hương trà thanh nhẹ tỏa khắp căn nhà nhỏ tường xây đá, mái lợp gỗ pơmu, chúng tôi cảm nhận được hương của sương quyện trong lá trà, màu nước trà xanh tươi có chút vàng nhẹ của nắng, vị chát, ngọt hậu, có tác dụng kích thích tuyến nước bọt rất tốt nên buổi trò chuyện kéo dài mà không thấy khô cổ. Bất giác chúng tôi ước gì mỗi nhà giáo đều có một ấm trà này trên bàn lúc lên lớp giảng bài! Hỏi về nguồn gốc cây trà đặc sản vùng này, các cụ già bảo “từ nhỏ đã thấy nó cao ngang cái nhà mình rồi”.
Cây trà ở Lũng Phìn là cây cao niên, mọc dọc theo thung lũng có khe suối chảy trên cao nguyên ở độ cao khoảng 1.800m trong ba bề núi đá bao quanh và mây phủ suốt bốn mùa. Ánh nắng mặt trời chỉ đi qua khe núi vào giờ ngọ nên cây trà cổ quanh năm trong sương mù chỉ đón nắng chính ngọ - tinh khí của trời và hấp thụ tinh khí của đất - chất đất đỏ lẫn với đá cao nguyên qua hàng trăm năm, cứ thế lớn dần cho ra những lá trà màu xanh non lấp lánh tuyết trắng. Cánh trà cổ thụ Lũng Phìn có đặc điểm rất nhỏ, nhẹ và tôm trà cũng rất bé.
Bà con cũng chỉ hái mỗi năm 2 vụ: trà xuân hái sau Tết Thanh minh, trà hè - thu hái vào tháng năm đến tháng sáu. Từ tháng bảy trở đi thời tiết vùng này đã trở lạnh, cây trà ít phát triển nên dân không hái. Bà con bảo nếu hái vào mùa này, cây trà sẽ kiệt sức, khó chống chọi với thời tiết giá buốt của cao nguyên đá.
Cây mũi nhọn
Anh Ly Mí Pó, Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn, cho biết: “Toàn xã hiện có 77ha chè shan tuyết, trong đó 50ha đang cho thu hoạch. Đặc biệt, xã đang lưu giữ 5.800 gốc trà bản địa (14ha), tuổi từ 70 năm đến hàng trăm năm nằm rải rác trong vườn, nương của các gia đình”. Năm 2010, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu chè (ở tỉnh Phú Thọ) đã lên đây ở lại hàng tháng trời trên đất Lũng Phìn để trèo đèo lội suối đi tìm và đánh số các cây trà cổ để lập chương trình bảo tồn và lấy cành của 16 cây về nhân giống bằng phương pháp giâm cành và đã thành công trong việc nhân giống cây trà Lũng Phìn để tăng diện tích trồng giống trà quý giá này.
Trà Lũng Phìn sạch và ngon nên giá bán khá cao, trung bình 450.000 đồng đến 500.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 1,2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, do bà con chưa biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, đầu tư thâm canh, thu hái và chế biến nên năng suất trà đạt thấp, bình quân chỉ được 31,4 tạ/ha. Để bảo tồn và phát huy giá trị của những cây chè cổ, đầu năm 2013, xã đã thành lập Hợp tác xã sản xuất chè shan tuyết Lũng Phìn và xác định đây là cây trồng tiềm năng và mũi nhọn. Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển chè Lũng Phìn và kế hoạch trước mắt phát triển 30ha chè ở các thôn Cán Pẩy Hở A, Cán Pẩy Hở B, Sủng Sì, Cháng Chá Phìn, Mao Sáo Phìn. Với sự vận động tích cực của xã, hiện nay bà con đã đốn tỉa, cải tạo, thâm canh nhiều diện tích chè già cỗi, trồng được 10ha và đang tiếp tục chờ giống để mở rộng diện tích.
Xác định được tiềm năng lớn của trà Lũng Phìn, huyện Đồng Văn đã và đang tập trung phát triển. Năm 2011, có một công ty trà lớn đề nghị huyện phối hợp phát triển vùng chè Lũng Phìn; giúp người dân kỹ thuật sản xuất, quảng bá và bao tiêu sản phẩm. Huyện đã đặt Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc lấy giống cây trà Lũng Phìn, loại chè shan bụi lá nhỏ để nhân giống khoảng 400.000 cây. Huyện quy hoạch bốn xã để phát triển trà là Lũng Phìn, Vần Chải, Sủng Trái, Hố Quáng Phìn; phấn đấu đến năm 2015, nâng diện tích trà Lũng Phìn đạt khoảng 150ha.
NGUYỄN NGỌC TUẤN - ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG