Sáng 14-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế.
Với 30 nhóm chính sách được nhìn nhận sẽ tác động lớn đến các nhóm ngành hàng như: bất động sản, ô tô, đồ uống, ngân hàng… liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tài nguyên. Trong đó, nhiều đóng góp cho rằng, ban soạn thảo chưa thuyết phục việc đánh thuế TTĐB với nước ngọt.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA), dự kiến tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, thuế TTĐB với nước ngọt 10% và thuế suất GTGT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%... sẽ gây tác động mạnh với doanh nghiệp trong ngành.
Trong văn bản kiến nghị của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cũng nêu: “Việc tăng thu ngân sách từ thuế TTĐB với nước ngọt chưa có số liệu chứng minh là thu được bao nhiêu. Còn việc nước ngọt là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường và béo phì cần phải được chứng minh khoa học và nếu áp dụng thuế TTĐB thì liệu có giảm dược tỷ lệ người bị tiểu đường, béo phì...? Nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khỏe của người dân thì cần áp thuế TTĐB với các loại thực phẩm gây ra loại bệnh đó bởi có nhiều loại thực phẩm có hàm lượng đường cao hơn sản phẩm nước ngọt… Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới cũng chưa áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt”.
Trong văn bản góp ý, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng cùng quan điểm với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam: đề xuất tăng thuế với nước ngọt có đường nếu được thông qua sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty nước giải khát và chịu ảnh hưởng nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng theo hội đồng này, chưa nên đánh thuế TTĐB trên sản phẩm nước giải khát khi chưa có cơ sở biện chứng rõ ràng. Trong trường hợp đánh thuế vì lý do tăng thu ngân sách và bảo vệ người tiêu dùng thì Bộ Tài chính nên xem xét đánh thuế TTĐB toàn bộ thực phẩm có chứa đường ở một mức thấp, ví dụ từ 1% đến 3%; chỉ áp dụng thuế TTĐB với sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao (có thể tham khảo chính sách của Singapore); bỏ “đồ uống thể thao” ra khỏi danh mục vì đồ uống thể thao thường không có đường, thậm chí nếu có thì hàm lượng đường rất thấp…
Cũng liên quan đến thuế TTĐB với nước ngọt, đại diện Công ty Kiểm toán Ernst&Young Việt Nam, cho rằng, việc đánh thuế TTĐB với thức uống có đường bao gồm trà túi lọc và cà phê pha sẵn. Tuy nhiên, 2 loại thức uống này không phải là sản phẩm độc hại và đang trở thành đồ uống thiết yếu của người dân, mang lại tiện ích cũng như lợi ích sức khỏe. Do đó, ban soạn thảo cần làm rõ hơn tiêu chí xác định thức uống có đường chiu thuế TTĐB.
Liên quan đến thuế GTGT, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng, cần có đánh giá tác động ra sao vì dự thảo chưa đánh giá tăng thu ngân sách là bao nhiêu (vì mục tiêu đưa ra là tăng thu ngân sách)? Tăng thu có bền vững không hay chỉ tới năm 2018, 2019? Tác động đến người dân, nền kinh tế sẽ như thế nào?...
Cũng theo bà Lan, việc đánh giá tác động với một đối tượng chịu ảnh hưởng hết sức rộng lớn thì “e rằng không khách quan được” nếu cơ quan thu thuế đánh giá.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cân đối ngân sách bền vững không chỉ dựa trên thu. Bội chi, thâm hụt cao là do chi tiêu, đầu tư bất hợp lý, Nhà nước không sử dụng hiệu quả nguồn lực, phân bổ không hợp lý… Bên cạnh đó, hiện nay các loại phí “nhiều kinh khủng” khiến chi phí đầu vào, gánh nặng hành chính cộng lại rất lớn và đổ vào đầu người dân. Do đó, nếu nói đến tính hệ thống, đồng bộ của thuế thì Bộ Tài chính cần nhìn tất cả các khía cạnh đó.