Đằng sau chất vấn

Tiếp tục tinh thần “tăng tranh luận, giảm tham luận”, tại những phiên chất vấn sắp diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đề nghị các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) “tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời, nhưng chưa thỏa đáng; thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn”.

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề. Người được chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Mỗi lượt có 3 ĐB đặt câu hỏi chất vấn, mỗi ĐB nêu chất vấn không quá 1 phút, người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi chất vấn. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của ĐBQH về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Quốc hội sau đó sẽ ban hành nghị quyết chất vấn để giám sát việc thực hiện.

Tính đến thời điểm lựa chọn các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã nhận được văn bản của 48 đoàn ĐBQH với 190 vấn đề. Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH cho biết đã tổng hợp được 96 vấn đề nổi bật qua ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7.

Dễ thấy là gần 3 ngày làm việc sẽ không thể đủ để giải đáp thỏa đáng tất cả vấn đề mọi người quan tâm. Để được giải đáp trực tiếp tại nghị trường, nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn trên cơ sở đáp ứng 3 tiêu chí: vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều ĐBQH, cử tri quan tâm; không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn; phù hợp với tổng thời gian tổ chức chất vấn.

Chính vì thế, chưa hẳn lãnh đạo những bộ ngành nhận được nhiều câu hỏi hơn cả sẽ là những “nhân vật chính” đăng đàn trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Công thương, với 29 câu chất vấn, là bộ giữ “kỷ lục” về số câu hỏi nhận được lần này. Tiếp đến là Bộ Giáo dục và Đào tạo (18), Bộ Công an (17), Bộ Tài nguyên và Môi trường (13), Tài chính (12)… Đáng lưu ý lần này là Ngân hàng Nhà nước kỳ này không nhận được chất vấn nào. Trong 4 bộ trưởng trả lời chất vấn lần này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận được 10 chất vấn; người đứng đầu Bộ Xây dựng chỉ nhận được 2 chất vấn - bằng với số câu hỏi chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thủ tướng Chính phủ nhận được 11 chất vấn, trong đó nhiều đoàn ĐBQH (như Gia Lai, Đồng Nai, Quảng Trị) đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước (Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan) đối với việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng, dầu trong những tháng đầu năm 2019 và các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước trong thời gian tới đối với lĩnh vực trên. Đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực điện, đoàn ĐBQH Cà Mau nêu ra hàng loạt vấn đề như lộ trình hoàn chỉnh thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh; giải pháp đảm bảo cho các nhà sản xuất, nhà bán buôn điện, nhà bán lẻ điện có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; cơ chế bán điện của các dự án BOT trong ngành điện… Những câu hỏi tương tự trong lĩnh vực điện cũng được nhiều đoàn ĐBQH khác gửi đến Bộ Công thương, như: TPHCM, Quảng Ninh, Điện Biên, Trà Vinh, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ…

Trong lĩnh vực xã hội, người đứng đầu Chính phủ được đề nghị làm rõ về hiệu quả của công tác tổ chức, phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em trước những diễn biến vừa qua; cần làm rõ các biện pháp cụ thể và có chế tài răn đe hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm...

Thực sự, đằng sau mỗi vấn đề chất vấn còn có tầng tầng lớp lớp các vấn đề khác có liên quan. Và tất nhiên, việc giải quyết những vấn đề này, giải toả những bức xúc, san bằng những cản ngại, mở đường cho kinh tế xã hội đất nước phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, không chỉ của những thành viên Chính phủ đã trả lời, đã cam kết; thậm chí, không chỉ của riêng của bộ máy hành chính.

Tin cùng chuyên mục