Dân nghèo càng nghèo thêm
Anh A Rớ (43 tuổi, cư dân làng Rắc) than: “Nhà tôi hiện có 4ha cao su, 3ha khoai mì và 4 sào ruộng nước tại khu vực núi Chư Tan Kra. Để lên rẫy sản xuất hàng ngày, gia đình tôi phải rất vất vả qua đoạn đường này”.
Các hộ dân khác ở làng Rắc cũng khổ sở tương tự, bởi đây là con đường duy nhất vào khu vực đất sản xuất của bà con. Không vận chuyển được nông sản về nhà, nông dân làng Rắc phải bán ngay tại nương rẫy, bị tư thương ép giá xuống thấp hơn rất nhiều so với giá bán ở trung tâm xã, mặc dù chỉ cách đó chưa đầy 5km.
Nỗi vất vả của nông dân làng Rắc là thế, nhưng vẫn chưa cơ cực bằng nỗi khổ của 320 hộ dân, với 1.700 nhân khẩu ở các thôn 1, 2 và 3. Tại 3 thôn này hiện có hơn 300ha cao su, gần 200ha khoai mì và các loại cây nông nghiệp. Do đường xuống cấp, mỗi khi thu hoạch, họ phải bán rẻ nông sản cho tư thương.
“Con đường đau khổ” của người dân xã Ya Xier
Ông Hà Văn Thoa, Bí thư chi bộ thôn 2, cho biết: “Thôn 2 có 109 hộ, với 530 nhân khẩu. Trong thôn hiện có 180ha cao su, 120ha khoai mì và gần 10ha ruộng nước. Đường hư, khó vận chuyển, nên mỗi khi thu hoạch, nông dân phải bán cho tư thương ngay tại thôn.
Nếu vận chuyển ra trung tâm xã thì mỗi ký khoai mì bán giá 1.200 đồng, nhưng bán tại thôn chỉ được 800 đồng/kg; tương tự, giá bán mủ cao su tại thôn cũng thấp hơn 200 - 300 đồng/kg...
Hơn 40 giáo viên các cấp dạy học trên địa bàn cũng vất vả không kém. Do đường xuống cấp, các cô giáo qua con đường này đều bị ngã xe máy, xây xát thân thể.
Cô giáo Nguyễn Thị Bay, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, đã bị té xe khá nặng, gãy mấy chiếc răng cửa, xây xát mặt mũi.
Cô Bay bức xúc: “Mọi giáo viên đang dạy học tại Trường THPT Chu Văn An, Trường Tiểu học Lê Lợi và Trường Mầm non Vành Khuyên đều cực khổ bởi đoạn đường này.
Mùa khô, chúng em còn đi vào giữa lô cao su để tránh đường hư hỏng; nhưng mùa mưa, mọi người đến trường đều phải lội bì bõm. Các cô buộc phải ăn cơm trưa tại trường để giảng dạy buổi chiều.
Làm hư đường rồi không sửa
Ông Lò Minh Thống, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ya Xier, cho biết: “Hồi mới thành lập, 3 thôn này chỉ 200 hộ, có 1.200 nhân khẩu. Nay đã lên đến 320 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu. Bà con hiện có hơn 350ha cao su, gần 300 ha trồng khoai mì và ruộng nước.
Do đường hư hỏng, bà con nông dân ở đây phải bán rẻ các loại nông sản do mình làm ra và lại phải mua các loại phân bón, giống cây trồng, thực phẩm với giá rất đắt đỏ. Nói tóm lại, người dân ở đây chịu quá nhiều thiệt thòi vì con đường tan nát”.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc đường hư hỏng, các cư dân cho biết: Tháng 5-2011, khi Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ, hàng chục chiếc xe vận tải lớn chở vật liệu xây dựng, sắt thép phục vụ xây dựng công trình đi qua đây làm cho con đường sụt lún, xuất hiện nhiều “ổ trâu”, “ổ voi”.
Từ những “ổ voi” này, do không được vá lấp, sửa chữa nên nước đọng lại, xe tải nặng tiếp tục đi qua băm nát con đường. Đã hơn 6 năm qua, con đường vẫn không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Mặc dù, trong các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, người dân đã không ít lần kiến nghị khắc phục, sửa chữa con đường.
Cuối con đường là Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội tại mặt trận Bắc Kon Tum, đã được UBND tỉnh Kon Tum công nhận Khu di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 19-7-2013.
Do đường hư nặng nên hiếm người đến viếng, tham quan. Rất mong chính quyền các cấp ở huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum sớm khắc phục sửa chữa đường, để người dân nơi đây thoát khỏi cảnh cơ cực.