Cứu người từ Trường Sa

Giữa bốn bề sóng biển, nơi hải đảo xa xôi, cùng những người lính cầm súng ngày đêm canh gác biển trời của Tổ quốc là những chiếc áo blouse của các chiến sĩ quân y. Bằng tình yêu và tâm sức của mình họ đã làm hết sức mình chăm lo sức khỏe cho chiến sĩ, ngư dân và nhân dân trên đảo. 
Từ tổ quân y đến trung tâm y tế
Thực hiện chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 2-1992, tổ quân y đầu tiên gồm 1 bác sĩ, 1 y sĩ và 1 y tá của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã nhận nhiệm vụ ra Trường Sa với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ, nhân dân, ngư dân đang lao động sản xuất trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong ký ức của bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng, tổ trưởng tổ quân y đầu tiên, Bệnh xá đảo Trường Sa ngày ấy chỉ là một căn nhà nhỏ lợp tôn, bao bọc xung quanh bằng ván gỗ, trang thiết bị y tế vô cùng ít ỏi, thiếu thốn. Mặc dù vậy, trong nhiệm kỳ 2 năm của mình, tổ quân y đầu tiên đã có công lớn khi cải thiện môi trường sống trên đảo, thanh toán được các bệnh truyền nhiễm “thâm căn cố đế” của lính đảo như lang ben, hắc lào, tiêu chảy…. Đặc biệt, với chủ trương trồng rau xanh tăng gia sản xuất tại chỗ đã góp phần không nhỏ trong việc cân bằng dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe cho chiến sĩ. 
Bắt đầu từ bệnh xá nhỏ trên đảo, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175 đã vận động các nguồn lực khoảng 41 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, được khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 25-5-2017.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, đây là trung tâm y tế hiện đại có đủ năng lực để giải quyết những cấp cứu căn bản nội khoa và ngoại khoa, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cấp cứu trong khuôn khổ thời gian vàng của các bệnh lý. Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho quân, dân đảo Trường Sa, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa còn có thể phục vụ cho ngư dân đánh bắt cá quanh vùng, cho tàu bè nước ngoài không may gặp nạn.
“Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được các trung tâm y tế tại toàn bộ các đảo trên quần đảo Trường Sa, sẵn sàng đón nhận tất cả tàu thuyền của nước ngoài gặp nạn hoặc cần sự hỗ trợ về y tế, là địa chỉ cứu trợ nhân đạo quốc tế”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn kỳ vọng.
Những kỳ tích cứu người trên đảo 
Cấp cứu người gặp nạn, mắc bệnh hiểm nghèo, nếu như thực hiện ở đất liền với đầy đủ trang thiết bị y tế để các bác sĩ có thể phát huy tối đa chuyên môn, năng lực thì ở Trường Sa, việc giành giật mạng sống với tử thần đã trở thành kỳ tích. Trong hơn 26 năm qua, các bác sĩ quân y trên quần đảo Trường Sa mặc dù trong điều kiện thiếu thốn cả nhân lực lẫn trang thiết bị nhưng đã thực hiện nhiều ca cấp cứu “ngoạn mục” như: chấn thuơng sọ não, ngưng tim, suy hô hấp, đa chấn thương, nhiễm trùng huyết, tai biến mạch máu não… 
Cứu người từ Trường Sa ảnh 1 Ca mổ bắt con thành công của các bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Quân y 175 qua hệ thống telemedicine
Cùng với cấp cứu tại chỗ, những chuyến trực thăng, thủy phi cơ xuyên biển đưa các bác sĩ quân y ra đảo và đưa bệnh nhân nguy kịch về đất liền cũng đã góp phần cứu sống tính mạng cho nhiều người. Có những chuyến bay đã được thực hiện trong điều kiện hết sức ngặt nghèo. Việc ứng dụng công nghệ vào trong y học cũng được các bác sĩ cập nhật kịp thời. Đặc biệt, kể từ khi lắp đặt hệ thống telemedicine (hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa) đã tạo ra sự thay đổi căn bản, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, minh chứng rõ nét nhất là sự ra đời bằng phương pháp sinh mổ của 2 em bé ngay trên đảo thông qua hệ thống điều khiển telemedicine. Ngày 4-4-2011, chị Nguyễn Thanh Thúy có dấu hiệu chuyển dạ với nhau thai quấn cổ 3 vòng, trong khi sản phụ đang mang một khối u ở tử cung. Nếu sinh thường sẽ vô cùng nguy hiểm, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy thai nhưng điều kiện trang bị, phương tiện trên đảo quá khó khăn, thiếu thốn.
Sau khi cân nhắc, ca mổ được thực hiện dưới sự điều khiển, chỉ đạo của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 thông qua hệ thống telemedicine. Sau 45 phút, bé gái Nguyễn Ngọc Trường Xuân nặng 3,2kg ra đời trong niềm vui vỡ òa của các y bác sĩ và gia đình. Đây là công dân Việt Nam đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật sinh mổ ở Trường Sa.
Để đáp ứng đòi hỏi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của chiến sĩ, người dân trên đảo ngày một cao, có hơn 200 lượt cán bộ quân y nối tiếp nhau đến với đảo. “Như một thông lệ, cứ vào mùa xuân hàng năm lại có một tổ quân y của Bệnh viện Quân y 175 ra phục vụ tại Trường Sa. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng mà mỗi bác sĩ, cán bộ, nhân viên của bệnh viện phải ý thức đảm trách. Cùng với đó là 3 “ê kíp” dự bị sẵn sàng lên đường trong mọi tình huống khẩn cấp”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục