Mặc dù chỉ là 2 sân dùng để tập luyện, nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo ngành thể thao cũng như của Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF), đấy đã là nỗ lực rất lớn, giải quyết một phần nỗi khó khăn của thể thao TPHCM trong việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thể thao đỉnh cao.
Nghe thật nghịch lý nhưng thực tế hiện nay nguồn cung về vật chất dành cho thể thao thành phố đang là con số âm so với trước đây, nhất là sau khi Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng được tháo dỡ chờ xây mới, còn Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc vẫn còn nằm trên bàn giấy. Trước Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, “đại bản doanh” của bóng bàn TPHCM đặt tại Sân vận động Hoa Lư (quận 1), sau khi sửa chữa đã dành hết phần lớn diện tích để làm sân cỏ nhằm có những khoản thu từ việc tổ chức sự kiện. Hai trung tâm khác vốn là nơi “đóng quân” của môn bóng rổ là Trung tâm TDTT quận 11 (đường Lãnh Binh Thăng) và khu trường đua Phú Thọ không hề thay đổi về hiện trạng, nếu không nói là xuống cấp rất nhiều so với trước đây. Đấy là những môn thể thao mà TPHCM từng có thời gian hầu như không có đối thủ, hơn nữa vốn không yêu cầu quá nhiều về điều kiện kỹ thuật mà đã như vậy thì các môn có mức độ đầu tư lớn hơn như bơi lội, bóng đá, điền kinh… còn rơi vào tình trạng chắp vá về cơ sở vật chất sẽ ra sao nếu thiếu thốn địa điểm tập?
Trước đây, các môn thể thao thường được đưa về các trung tâm TDTT cấp quận (nơi sở hữu nhà thi đấu đa năng) để tập luyện chuyên biệt. Làm như vậy thực ra cũng chỉ mang tính tạm thời, bởi lẽ những nhà thi đấu đó cho dù có hiện đại đến đâu thì về nguyên tắc cũng chỉ phục vụ cho thi đấu, có sự khác biệt không nhỏ đối với công tác huấn luyện hàng ngày. Với dân thể thao, ngoài việc tập kỹ, chiến thuật còn phải rèn luyện thêm các môn bổ trợ, thể lực… chưa kể phải có thêm những hoạt động như chăm sóc y tế, tâm lý để tạo cảm hứng nhằm nâng cao thành tích.
Không phải tự nhiên mà những VĐV hàng đầu quốc gia như Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thị Thật phải khăn gói sang tận Mỹ, Thụy Sĩ chỉ để tập luyện và luôn đạt thành tích vượt trội. Rất tiếc là đến nay, một trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp vẫn là điều quá xa vời đối với các VĐV đỉnh cao TPHCM. Ban đầu, ai cũng hy vọng Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc chính là lời giải quyết định của bài toán đó, rồi theo thời gian, ngành thể thao… hạ chỉ tiêu xuống còn một trung tâm thu nhỏ có diện tích vài hécta ngay ở trung tâm thành phố sau khi trường đua Phú Thọ ngừng hoạt động. Vậy nhưng đến nay, cũng chưa có môn thể thao nào có thể “dọn nhà” về nơi ở chung ấy cả, trong khi những “ngôi nhà” quen thuộc từng làm nên biết bao thành tích rạng danh thành phố như Phan Đình Phùng, Hoa Lư, Yết Kiêu, Tinh Võ, Lãnh Binh Thăng, Trần Hưng Đạo… trôi dần vào dĩ vãng theo thời gian.
Lấy câu chuyện của bóng đá làm ví dụ để thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng đến đâu. Từ chỗ có Trường Năng khiếu nghiệp vụ ở sân Hoa Lư để đào tạo cầu thủ, rồi thêm sân Kỵ Mã ở Tao Đàn, sân Quân khu 7 ở Tân Bình, Trung tâm Thành Long (Bình Chánh) hay xa hơn là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức)… thì thật bất ngờ khi ở thời điểm hiện nay, chính 2 sân bóng tại Phú Thọ vừa mới khánh thành lại là nơi duy nhất dành riêng cho tập luyện của bóng đá TPHCM. Nên mới có chuyện buồn cười là có lúc, đội tuyển quốc gia vào TPHCM thi đấu nhưng ăn ở tại khách sạn, còn tập luyện tận… sân Gò Đậu (Bình Dương).
Từ đây chúng ta cần phải đặt câu hỏi: Ở mức độ huấn luyện chuyên nghiệp mà còn thiếu đến mức nghiêm trọng như vậy, lấy đâu ra cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo theo tiêu chuẩn khép kín? Thậm chí, 2 trường phổ thông năng khiếu thể thao của thành phố hiện ở trong tình trạng mất phương hướng về hoạt động đào tạo do chỉ mới làm được phần việc về dạy văn hóa trong khi phần chính là phát triển năng khiếu thể thao vẫn bế tắc cũng chủ yếu do điều kiện vật chất thiếu thốn.