TS Trần Hữu Dũng, Phó trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Huế và các đồng nghiệp vừa nghiên cứu, chế biến bánh ăn hàng ngày, hỗ trợ hiệu quả kiểm soát đường huyết bệnh nhân đái tháo đường type 2 từ tinh bột củ mài.
Hiệu quả bước đầu tương đương Enzyme Alpha glucosidase - loại thuốc sử dụng trên lâm sàng chống tăng đường huyết sau ăn dành cho bệnh nhân đái tháo đường type 2.
“Nghiên cứu chế biến khẩu phần ăn chứa tinh bột củ mài trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân đái tháo đường type 2” do TS Trần Hữu Dũng làm chủ đề tài xuất sắc đoạt giải nhất “Giải thưởng sáng tạo KH-CN lần thứ VI” do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức.
TS Trần Hữu Dũng đã kỳ công chứng minh sự tồn tại một lượng đáng kể “Tinh bột đề kháng” (Resistant Starch) - một dạng tinh bột có khả năng kháng lại sự thủy phân của enzyme amylase hệ tiêu hóa, giảm sự hình thành đường đơn (glucose) - yếu tố gia tăng đường huyết sau ăn đối với bệnh nhân đái tháo đường trong in-vitro đóng vai trò như một tác nhân quan trọng làm giảm nguy cơ tăng đường huyết sau ăn trên bệnh nhân đái tháo đường.
Ngoài ra, TS Trần Hữu Dũng và nhóm nghiên cứu đã tìm ra phương pháp nấu chín tinh bột củ mài tạo hàm lượng cao của dạng tinh bột đề kháng bằng cách làm bánh ăn hàng ngày, hỗ trợ trong việc điều trị bệnh đái tháo đường. Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 ghi nhận, cùng với tác dụng hạn chế sự gia tăng đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường sau khi ăn bánh còn hạn chế được việc dùng thuốc điều trị một cách hiệu quả.
Theo TS Trần Hữu Dũng, khó khăn nhất khi thực hiện đề tài là chứng minh nguồn gốc nguyên liệu. Củ mài tên khoa học Dioscorea persimilis Prain et Burkill, mọc hoang trong rừng. Cần quy hoạch vùng trồng và phát triển cây củ mài nhằm tạo trữ lượng nguyên liệu lớn cho các ứng dụng tinh bột củ mài trong y học và cuộc sống.
V.THẮNG - N.HÀ