thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho khu vực cửa ngõ Tây Bắc của TPHCM phát triển mạnh trong thời gian tới.
Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài là 1 trong 7 dự án đường cao tốc ở phía Nam, nằm trong tổng số 21 tuyến cao tốc trong “Quy hoạch tổng thể mạng lưới cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (4 làn xe) khoảng 10.727 tỷ đồng, giai đoạn 2 (nâng lên 6 - 8 làn xe) là hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại giao cắt giữa đường Vành đai 3 với tỉnh lộ 15 của TPHCM, điểm cuối tại quốc lộ 22 thuộc khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Hướng tuyến của dự án phù hợp với quy hoạch chung của huyện Củ Chi, TPHCM và tỉnh Tây Ninh.
Dự án hầm chui tại nút giao thông An Sương trên quốc lộ 22 đi huyện Củ Chi kết nối với Tây Ninh cũng đang gấp rút hoàn thiện phần còn lại để có thể đưa vào hoạt động đầu năm 2019… Khi các dự án này được đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng thì các phương tiện giao thông có thể đi với tốc độ nhanh và an toàn hơn đến với các khu kinh tế cửa khẩu, đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TPHCM)... Đây cũng là nền tảng tạo cú hích phát triển cho khu đô thị Tây Bắc của TPHCM.
Khu đô thị Tây Bắc (gồm huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn) được triển khai từ nhiều năm qua với các dự án lớn, nhưng sau một thời gian dài vẫn còn trì trệ. Cụ thể, dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam, huyện Hóc Môn, được UBND TPHCM trao giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Vừa qua Tập đoàn Vinhomes đã mua 97,7% vốn góp trong Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (BVIUT) từ các đối tác Malaysia với tổng giá phí chuyển nhượng 11.748 tỷ đồng (khoảng hơn 500 triệu USD). Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng dự án sẽ tái khởi động mạnh mẽ trong thời gian tới để tạo sinh khí mới cho khu vực này.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, sau gần 10 năm quy hoạch chung của TPHCM được Thủ tướng phê duyệt, hiện TP đang xem xét kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế, yêu cầu phát triển mới của TPHCM.
Theo nhiều chuyên gia, trước kia hướng Nam là một trong những hướng phát triển chính của TPHCM. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thực tế một số hạn chế về hướng phát triển này đã bộc lộ trong thời gian qua, do đó cần phải xem xét lại. Hiện TP cũng giao các cơ quan chuyên môn, tham mưu nghiên cứu bổ sung hướng quy hoạch phát triển đô thị về khu vực hướng Tây Bắc. Theo đó, lộ trình chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trong tình hình hiện nay, sự điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo này còn nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà thành phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất, phần lớn diện tích thành phố nằm trên khu vực thấp. TPHCM có cao độ thấp, chỉ từ 0,5m (huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ) đến khoảng 32m (đồi Long Bình, quận 9).
Vùng trũng thấp của thành phố ở phía Nam - Tây Nam - Đông Nam thuộc các quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, 7, 8, 2 và một phần quận 9. Vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc - Tây Bắc thuộc các quận, huyện: Củ Chi, Hóc Môn, 12, Gò Vấp và một phần quận Thủ Đức, quận 9. Địa hình của thành phố thấp dần từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam, hệ thống sông Sài Gòn theo chế độ bán nhật triều làm tăng thêm khó khăn cho việc thoát nước.
Theo kịch bản, nếu nước biển dâng chỉ 0,5m thì TPHCM cũng sẽ bị ngập rất nhiều khu vực. Để thành phố phát triển bền vững, HoREA đề nghị điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo về vùng đất cao của thành phố, đó là khu vực Gia Định - Củ Chi cũ (một phần các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, nhất là khu vực quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi) mà thành phố đã có quy hoạch phát triển Khu đô thị - công nghiệp Tây Bắc trên địa bàn huyện Hóc Môn - Củ Chi với quy mô lên đến 9.000ha.
Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu cũng đề xuất thực hiện định hướng chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị, điều này sẽ giúp làm tăng GRDP của thành phố lên 2,73 lần. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển rất mạnh nền kinh tế và thị trường bất động sản của thành phố trong thời gian tới.