Chặng nước rút của cuộc đua 60 vạn năm

Chặng nước rút của cuộc đua 60 vạn năm

1. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, rất mạnh. Ayzenbec, nhà triết học và là một kỹ sư người Thụy Sĩ đã mô tả sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ bằng một so sánh giàu hình tượng: Cứ cho rằng tuổi của nhân loại là 600.000 năm.

Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai - Khu công nghệ cao

Hãy hình dung sự phát triển của nhân loại qua 600.000 năm ấy với một cuộc đua marathon 60 cây số, phần lớn chiều dài của cuộc đua, đoàn vận động viên chạy qua những con đường cực kỳ khó khăn, những cánh rừng nguyên thủy mà không ai biết gì về nó cả. Phải đến những cây số cuối, cùng với các bức họa trong các hang động là vết tích của một nền văn minh cổ sơ. Đến cây số 59 mới xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu của nghề nông. 200m trước khi đến đích, con đường được lát đá chạy qua các pháo đài La Mã; những đô thị trung đại bao quanh 100m cuối cùng của cuộc đua. Còn 50m nữa, có một người đứng đó theo dõi đoàn vận động viên với đôi mắt thông minh và hiểu biết. Đó là Leonardo da Vinci. 10m nữa con đường vẫn còn được chiếu sáng bằng những bó đuốc và các ngọn đèn con le lói. Nhưng khi băng qua 5m cuối cùng thì xảy ra một hiện tượng kỳ lạ đến sửng sốt: ánh sáng chan hòa con đường đêm, xe không có súc vật kéo lao nhanh trên đường, máy bay gầm vang trên bầu trời và người chiến thắng bị lóa mắt bới ánh sáng của máy ảnh kỹ thuật số và máy quay vô tuyến truyền hình…

Khoảng 100 năm lại đây, các cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện ngày càng nhanh, nhịp độ ngày càng mạnh làm thay đổi diện mạo thế giới chúng ta đang sống. Ngày nay, loài người đang chuyển từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang kỷ nguyên công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt; từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ, từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực. Cùng với những tập đoàn kinh tế lớn, siêu quốc gia là xu thế cá thể hóa doanh nghiệp và sự xuất hiện nền kinh tế chia sẻ. Các khái niệm “kết nối”, “công dân toàn cầu”, “quản trị thông minh”, “thành phố thông minh” xuất hiện ngày càng nhiều trong ngôn từ của đời sống hiện thực.

2. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội phát triển mà các cuộc cách mạng công nghệ trước đây đã tạo ra cho các quốc gia, dân tộc. Nước ta chẳng những chưa sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn, mà còn tụt hậu so với hầu hết các nước trong ASEAN. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất hiện hữu. Giờ đây, làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của các loại công nghệ cao, trong đó đặc biệt là công nghệ thông tin với công nghệ in 3D, dữ liệu lớn, và sự tích hợp của chúng, tạo ra trí tuệ nhân tạo và những sản phẩm có tính năng vượt trội. Và, trên tất cả là IoT (Internet kết nối vạn vật). Làn sóng này sẽ làm thay đổi thế giới từ sản xuất đến các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội còn sâu sắc hơn, kỳ ảo hơn nhiều mà chúng ta chưa thể hình dung hết được. Điều này, một lần nữa khẳng định dự báo mà Các Mác đã đưa ra cách đây gần 200 năm rằng: Cái phân biệt thời đại kinh tế này với thời đại kinh tế khác không phải ở chỗ người ta sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ người ta sản xuất bằng cách nào và rằng, đại công nghiệp sẽ phá vỡ các quan hệ cổ truyền.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mang đến cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, những cơ hội to lớn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức nặng nề. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội mà cuộc cách mạng lần này tạo ra hay lại tiếp tục bị bỏ lỡ và tụt hậu xa hơn? Làm thế nào để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tiến cùng thời đại là bài toán lớn đang đặt ra cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

3. Sự phát triển rất nhanh, rất mạnh của khoa học và công nghệ dẫn đến quá trình công nghiệp hóa được rút ngắn. Một nước đi sau, một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn có thể đuổi kịp, hơn thế, có thể vượt lên một nước, doanh nghiệp đã có trình độ phát triển cao hơn, nếu biết nắm lấy thời cơ và có chiến lược phát triển đúng đắn. Giờ đây, quy mô không bằng tốc độ và tư duy mạnh hơn kinh nghiệm, đang trở thành quy luật có tính phổ quát trong thế giới hiện đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, lại đang trong thời kỳ “dân số vàng”, có lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi, có năng khiếu về tư duy toán học, được nhiều nước thừa nhận. Đây chính là những cơ hội to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình: Vượt qua sự bảo thủ trong tư duy phát triển, tâm lý tự hài lòng của người tiểu nông, không dám chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo; vượt qua toan tính nhiệm kỳ và chủ nghĩa thành tích, tình trạng nói không đi đôi với làm; vượt qua tư tưởng muốn làm đủ thứ dẫn đến phân tán nguồn lực. Phải thay đổi thực trạng này! Chúng ta có khát vọng, có khả năng và cơ hội phát triển.

TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Tin cùng chuyên mục