Công nghiệp ô tô Việt Nam khó phát triển do chính sách thiếu nhất quán

Trong thời gian qua, hoạt động sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, các chính sách thường xuyên thay đổi ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn của ngành. Bên cạnh đó, sự thiếu nhất quán trong quản lý và sự hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chưa rõ ràng, cụ thể cũng làm giảm sức thu  hút đầu tư vào ngành ô tô. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), Chủ tịch Hội Ô tô và thiết bị động lực TPHCM.
Công nghiệp ô tô Việt Nam khó phát triển do chính sách thiếu nhất quán

Trong thời gian qua, hoạt động sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, các chính sách thường xuyên thay đổi ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn của ngành. Bên cạnh đó, sự thiếu nhất quán trong quản lý và sự hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chưa rõ ràng, cụ thể cũng làm giảm sức thu  hút đầu tư vào ngành ô tô. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), Chủ tịch Hội Ô tô và thiết bị động lực TPHCM.

Bất ổn từ chính sách đến sản xuất

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, những từ nào miêu tả ngắn gọn nhất về ngành ô tô Việt Nam?

- Ông TRẦN QUỐC TOẢN: Chưa xứng tầm với vị trí, vai trò mà Nhà nước kỳ vọng vào ngành công nghiệp ô tô.

- Vì sao sau hơn 40 năm phát triển, có thể nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mãi chưa “chịu lớn”. Trong khi đó, nhiều DN ngoài ngành vẫn đang muốn nhảy vào sân chơi được đánh giá rất tiềm năng này. Ông lý giải vấn đề này như thế nào?

Sản xuất xe buýt tại SAMCO. Ảnh: Cao Thăng

- Hoạt động sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô trong nước còn nhiều khó khăn, chủ yếu do các chính sách liên quan đến ngành thường xuyên thay đổi. Sự không nhất quán đó không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động trước mắt mà đến cả sự phát triển dài hạn của ngành.

Bên cạnh đó, sự thiếu nhất quán trong quản lý và sự hỗ trợ DN chưa rõ ràng, cụ thể cũng làm giảm sức thu hút đầu tư vào ngành ô tô. Với xu thế và áp lực cạnh tranh trong thời gian tới, đặc biệt năm 2018 là năm bản lề của công nghiệp ô tô Việt Nam, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước thuộc khu vực ASEAN vào Việt Nam giảm về 0%, nếu không nỗ lực hơn nữa, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng tương tự Philippines khi thị trường chưa phát triển, chính sách không rõ ràng, nhất quán, khiến các nhà sản xuất rút lui khỏi thị trường và chuyển sang nhập khẩu.

Ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi cao về chất lượng, công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Do đó, bắt buộc các DN khi muốn tham gia sản xuất trong lĩnh vực này cần phải có đủ năng lực, trình độ, công nghệ... tương xứng để tránh tình trạng đầu tư sản xuất tràn lan, dẫn đến sản phẩm đầu ra kém chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tiệm cận chuỗi giá trị toàn cầu

- Vậy để DN ngành ô tô trong nước có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu theo đúng định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ, theo ông cần điều kiện gì?

- Nhà nước cần hỗ trợ các DN Việt Nam đổi mới công nghệ tiên tiến, tiếp cận được mặt bằng chất lượng của ngành ô tô toàn cầu, sử dụng hệ thống quản trị chất lượng (ISO 9001-2015, TS 16949…) thì mới mong tham gia được vào chuỗi giá trị của ngành. Ngoài ra, việc đồng nhất các tiêu chuẩn chung của sản phẩm ô tô trong toàn khối ASEAN phải là điều kiện bắt buộc để liên kết và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô cho cả khối AEC.

Cụ thể, ASEAN thông qua các quy định UNECE cho các sản phẩm ô tô và kết hợp chặt chẽ với tất cả các nước thành viên để sắp xếp 19 tiêu chuẩn UNECE ưu tiên. Mục tiêu đạt được là ASEAN sẽ thi hành quy trình kiểm tra cùng một phương pháp đo lường, tiêu chuẩn và quy định áp dụng chung.

Việc phát triển của ngành sản xuất ô tô không thể thiếu công nghiệp hỗ trợ cho ngành, vì vậy Chính phủ cần ban hành và thực thi các chính sách minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận để các DN chủ động trong đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, các danh mục ngành nghề và chủ trương khuyến khích đầu tư đã được ban hành nhưng sản xuất chủng loại phụ tùng gì, bán cho ai, theo tiêu chuẩn nào, bằng công nghệ gì… vẫn là những bài toán chưa được giải, vì tiền đề là thị trường đầu ra cho sản phẩm chưa được khẳng định hoặc có định hướng phát triển từ Chính phủ.

Ngoài ra, để bảo vệ môi trường, Nhà nước cũng cần đồng bộ các yêu cầu về việc cung cấp và sử dụng nhiên liệu chất lượng cao phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về khí thải, xem đây là điều kiện tiên quyết cho ứng dụng công nghệ mới  thân thiện môi trường.

Cụ thể, Chính phủ và UBND TPHCM nên khuyến khích phát triển các loại xe ô tô sử dụng nhiên liệu khí gas thiên nhiên CNG (Compress Natural Gas), đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, vì xét về mặt địa chất TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung có lợi thế nằm trong vùng có nhiều CNG.

Chính phủ có thể xem đây là điểm mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai mở rộng ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong sự phát triển này, Nhà nước chỉ hỗ trợ, tạo cơ chế. Chính DN phải là lực lượng chủ đạo trong ngành công nghiệp ô tô.

- Vậy bên cạnh cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước, yếu tố cốt lõi nào giúp DN tạo dựng được thế chủ động?

- Theo tôi đó chính là con người, nguồn lực then chốt quyết định sự thành bại của DN. Dự kiến ngành công nghiệp ô tô ngày càng tăng trưởng, nhu cầu về lực lượng lao động có tay nghề sẽ ngày càng cao trong cả khu vực.

Chính phủ và UBND TPHCM nên định hướng, đặt hàng đào tạo chuyên sâu cho các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề…; đồng thời, có cơ chế rõ ràng tạo điều kiện cho DN và các trường cùng liên kết, tạo ra nguồn nhân lực có hiệu quả cao cho xã hội, vấn đề còn lại là sự nỗ lực của chính các DN. Nếu muốn tồn tại và phát triển, họ phải luôn nỗ lực không ngừng.

Đơn cử như thời gian qua, đón đầu xu hướng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực giao thông và bảo vệ môi trường, SAMCO là DN đầu tiên trên cả nước đã chủ động đầu tư sản xuất dòng sản phẩm xe buýt sử dụng nhiên liệu khí gas thiên nhiên CNG giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng sản xuất các dòng xe sử dụng nhiên liệu sạch như điện, hybrid…, hướng đến việc sản xuất đa dạng các loại ô tô phục vụ nền kinh tế đất nước.

Song song đó, SAMCO đã chủ động đầu tư nguồn lực xây dựng khu công nghiệp cơ khí ô tô TPHCM tại huyện Củ Chi, với mong muốn đây sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp hỗ trợ không chỉ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đến nay khu công nghiệp cơ bản đã hoàn thành, đã có một số doanh nghiệp thuê đất đầu tư xây dựng nhà máy cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo… SAMCO cũng đã đầu tư xây dựng tại đây nhà máy sản xuất xe ô tô thương mại theo hợp đồng hợp tác sản xuất với đối tác Mercedes - Benz.

Tôi tin rằng, trong tương lai không xa, khu công nghiệp cơ khí ô tô TPHCM sẽ tạo lợi thế khi hình thành cụm các nhà sản xuất hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.


NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục