Ở đô thị hiện đại bậc nhất cả nước, rất nhiều công nhân chỉ nhận lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Tháng nào con bệnh, cưới xin, hay có bà con nội ngoại ở quê vô, những đồng tiền vất vả đó tan biến trong chốc lát.
Sống riết rồi quen!
Hỏi thử một vài công nhân trẻ vừa tan ca ở Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1, chúng tôi nhận được được câu trả lời chắc như bắp: “Sống riết rồi quen!”. 19 giờ, tan ca, chị Nguyễn Mai Hoa (quê Bình Thuận), công nhân Công ty TNHH Astro Sài Gòn, KCX Linh Trung 1, rủ chúng tôi cùng đi chợ công nhân coi chị em “sắm sửa”. Chị cười: “Đi cho biết tụi tui sống sao với đồng lương đó nha”. Chị Hoa ghé vô chợ Linh Trung, tới thẳng hàng cá ở cuối chợ, người bán hàng thấy chị Hoa niềm nở: “Hôm nay tăng ca trễ vậy, cá của chị đây, nay rẻ nên tui đóng bịch nhiều hơn mọi khi chút đỉnh”. Chúng tôi rờ vô bịch cá bống, thấy lạnh ngắt, con cá mềm oặt… Chị Hoa trả 20.000 đồng tiền cá rồi ghé hàng rau đối diện mua 2 bó rau 8.000 đồng, xong nói: “Nay cô Thảo (người bán cá) cho nhiều cá vầy thì 3 ngày nữa tui mới phải đi chợ”.
Theo chị Hoa về khu nhà trọ cách đó không xa, chị kể không hề chạnh lòng: “Tui làm công nhân cũng ngót 5 năm, lương hiện tại là 4,6 triệu đồng/tháng, tháng nào làm thêm giờ chừng được hơn 5 triệu đồng. Tui còn nuôi hai con nhỏ, nên chắt bóp là đương nhiên. Mà biết than thở với ai, chị em bạn xung quanh mình cũng khó như nhau, cũng tằn tiện mà sống. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, lãnh lương về việc đầu tiên là tui lo gửi 2 triệu đồng về quê, rồi đóng luôn tiền nhà, điện nước và hùn tiền xăng xe mỗi tháng hết 600.000 đồng, vậy là yên tâm những khoản cứng phải chi. Khoản ăn uống ai sao tui không biết, chứ tui quy định rõ, mỗi ngày xài không quá 30.000 đồng cho bữa tối hôm trước, sáng hôm sau và chi tiêu lặt vặt, bữa nào xài lố thì bữa sau nhín lại. Đám tiệc tui chỉ gửi một đôi trăm làm quà chứ không mấy khi đi dự. Mọi người biết hoàn cảnh nên cũng thông cảm”.
Hỏi chuyện lương, chị Phạm Thị Minh Niềm (công nhân Công ty TNHH Astro Sài Gòn) cho biết, lương của chị cũng chỉ được lãnh hơn 4,9 triệu đồng/tháng. Không chồng, không con nhưng với mức lương ấy, mỗi tháng tằn tiện lắm chị cũng chỉ tích lũy được khoảng 300.000 đồng để dành khi đau bệnh. Chị Niềm liệt kê: “Vì không có xe nên tôi và một chị đồng nghiệp thuê phòng trọ gần công ty để hàng ngày đi bộ đi làm, tính cả tiền điện nước, mỗi tháng là 800.000 đồng/người. Tiền gửi về quê phụ gia đình là 2 triệu đồng/tháng. Sống một mình nên với tôi ăn uống không quá quan trọng, bữa sáng quy định 10.000 đồng, mua lúc gói xôi, lúc trái bắp, củ khoai. Bữa tối cũng gói ghém trong khoảng 20.000 đồng, tôi thường chọn mua con cá, miếng đậu hoặc trứng, hôm nào sang thì mua miếng thịt về kho ăn 2 bữa, riêng những hôm về trễ thì ghé ăn đại dĩa cơm vỉa hè 15.000 đồng cũng xong”.
Vay - trả, rồi lại vay
Nói về khoản tiền tích lũy để phòng khi đau bệnh hay có việc cần, nhiều công nhân trẻ chựng lại, ánh mắt trùng xuống. Với họ, từ khi bước chân lên thành phố làm công nhân, chưa bao giờ họ nghĩ đến tiền tích lũy, không phải vay mượn thêm đã là may mắn. Cũng bởi vậy mà chẳng may gia đình có việc phải về quê thì chắc chắn sẽ gánh nợ. Khoản nợ ấy họ dè sẻn vài năm mới trả hết. Cuộc sống với nhiều gia đình công nhân là một vòng luẩn quẩn: vay - trả, rồi lại vay.
Là công nhân kho vật tư, Công ty Pouyuen (quận Bình Tân), chị Trần Thúy Vân (quê Long An) chia sẻ: “Lương mới vô làm 1 - 2 năm cũng chỉ gần 5 triệu đồng, sống một mình chứ tôi cũng tiết kiệm lắm, không dám ăn xài thoải mái quá. Tiền nhà hơn triệu bạc, ăn trưa có công ty lo, mình lo ăn sáng, ăn chiều. Tháng nào mà bạn bè mời đám tiệc hơi nhiều chút là hụt tiền liền, bởi vậy mà tháng nào có tăng ca thì để dành bù qua sớt lại, chứ nhiều khi có chuyện cần gấp cũng phải chạy đi mượn”.
Từ An Giang lên thành phố, chị Phạm Thùy Trang thuê trọ tại ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, làm công nhân Khu công nghiệp Tân Kim (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) gần đó. Lương chưa tới 5 triệu đồng/tháng dùng để trang trải cuộc sống cho mình và mẹ, trừ tiền trọ mỗi tháng hơn 800.000 đồng, các khoản chi tiêu khác chị luôn gói ghém từng chút một. Bà Nguyễn Thị Chiển (60 tuổi, mẹ chị Trang) cho hay: “Nó đi làm, tui ở nhà lo cơm nước, cữ sáng, cữ trưa ăn đại cái gì cho xong, để chiều mua đồ ăn nhiều chút cho con đi làm về ăn. Có tháng không tăng ca thì cơm chiều 2 mẹ con 2 cái hột vịt luộc lên với nước mắm là xong”.
Cũng là công nhân thuộc Khu công nghiệp Tân Kim, anh Phạm Minh Phương (ngụ ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Đi làm ai cũng muốn tăng ca, mệt chút mà mình có thêm tiền, chứ tháng nào hàng ít không tăng ca thì oải lắm, lãnh lương xong quay qua quay lại là hết liền. Có nhà ở đây thì đỡ phần tiền trọ, nhưng cũng phụ ba má chút đỉnh tiền chợ búa mỗi tháng, rồi xăng xe, bạn bè, đám tiệc, nhiều khi thiếu tiền phải ứng lương trước hoặc mượn tạm bạn bè tháng sau trả lại”…
Mới đây thôi, một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy 26% công nhân lao động phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ, 12% cho biết thu nhập không đủ sống và phải làm thêm giờ. Khó là vậy, nhưng hàng tháng vẫn có rất nhiều những người trẻ quẩy ba lô tìm về thành phố, mong kiếm được một việc làm, dù phía trước là con đường mờ mịt, cam go.
Sống riết rồi quen!
Hỏi thử một vài công nhân trẻ vừa tan ca ở Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1, chúng tôi nhận được được câu trả lời chắc như bắp: “Sống riết rồi quen!”. 19 giờ, tan ca, chị Nguyễn Mai Hoa (quê Bình Thuận), công nhân Công ty TNHH Astro Sài Gòn, KCX Linh Trung 1, rủ chúng tôi cùng đi chợ công nhân coi chị em “sắm sửa”. Chị cười: “Đi cho biết tụi tui sống sao với đồng lương đó nha”. Chị Hoa ghé vô chợ Linh Trung, tới thẳng hàng cá ở cuối chợ, người bán hàng thấy chị Hoa niềm nở: “Hôm nay tăng ca trễ vậy, cá của chị đây, nay rẻ nên tui đóng bịch nhiều hơn mọi khi chút đỉnh”. Chúng tôi rờ vô bịch cá bống, thấy lạnh ngắt, con cá mềm oặt… Chị Hoa trả 20.000 đồng tiền cá rồi ghé hàng rau đối diện mua 2 bó rau 8.000 đồng, xong nói: “Nay cô Thảo (người bán cá) cho nhiều cá vầy thì 3 ngày nữa tui mới phải đi chợ”.
Theo chị Hoa về khu nhà trọ cách đó không xa, chị kể không hề chạnh lòng: “Tui làm công nhân cũng ngót 5 năm, lương hiện tại là 4,6 triệu đồng/tháng, tháng nào làm thêm giờ chừng được hơn 5 triệu đồng. Tui còn nuôi hai con nhỏ, nên chắt bóp là đương nhiên. Mà biết than thở với ai, chị em bạn xung quanh mình cũng khó như nhau, cũng tằn tiện mà sống. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, lãnh lương về việc đầu tiên là tui lo gửi 2 triệu đồng về quê, rồi đóng luôn tiền nhà, điện nước và hùn tiền xăng xe mỗi tháng hết 600.000 đồng, vậy là yên tâm những khoản cứng phải chi. Khoản ăn uống ai sao tui không biết, chứ tui quy định rõ, mỗi ngày xài không quá 30.000 đồng cho bữa tối hôm trước, sáng hôm sau và chi tiêu lặt vặt, bữa nào xài lố thì bữa sau nhín lại. Đám tiệc tui chỉ gửi một đôi trăm làm quà chứ không mấy khi đi dự. Mọi người biết hoàn cảnh nên cũng thông cảm”.
Hỏi chuyện lương, chị Phạm Thị Minh Niềm (công nhân Công ty TNHH Astro Sài Gòn) cho biết, lương của chị cũng chỉ được lãnh hơn 4,9 triệu đồng/tháng. Không chồng, không con nhưng với mức lương ấy, mỗi tháng tằn tiện lắm chị cũng chỉ tích lũy được khoảng 300.000 đồng để dành khi đau bệnh. Chị Niềm liệt kê: “Vì không có xe nên tôi và một chị đồng nghiệp thuê phòng trọ gần công ty để hàng ngày đi bộ đi làm, tính cả tiền điện nước, mỗi tháng là 800.000 đồng/người. Tiền gửi về quê phụ gia đình là 2 triệu đồng/tháng. Sống một mình nên với tôi ăn uống không quá quan trọng, bữa sáng quy định 10.000 đồng, mua lúc gói xôi, lúc trái bắp, củ khoai. Bữa tối cũng gói ghém trong khoảng 20.000 đồng, tôi thường chọn mua con cá, miếng đậu hoặc trứng, hôm nào sang thì mua miếng thịt về kho ăn 2 bữa, riêng những hôm về trễ thì ghé ăn đại dĩa cơm vỉa hè 15.000 đồng cũng xong”.
Vay - trả, rồi lại vay
Nói về khoản tiền tích lũy để phòng khi đau bệnh hay có việc cần, nhiều công nhân trẻ chựng lại, ánh mắt trùng xuống. Với họ, từ khi bước chân lên thành phố làm công nhân, chưa bao giờ họ nghĩ đến tiền tích lũy, không phải vay mượn thêm đã là may mắn. Cũng bởi vậy mà chẳng may gia đình có việc phải về quê thì chắc chắn sẽ gánh nợ. Khoản nợ ấy họ dè sẻn vài năm mới trả hết. Cuộc sống với nhiều gia đình công nhân là một vòng luẩn quẩn: vay - trả, rồi lại vay.
Là công nhân kho vật tư, Công ty Pouyuen (quận Bình Tân), chị Trần Thúy Vân (quê Long An) chia sẻ: “Lương mới vô làm 1 - 2 năm cũng chỉ gần 5 triệu đồng, sống một mình chứ tôi cũng tiết kiệm lắm, không dám ăn xài thoải mái quá. Tiền nhà hơn triệu bạc, ăn trưa có công ty lo, mình lo ăn sáng, ăn chiều. Tháng nào mà bạn bè mời đám tiệc hơi nhiều chút là hụt tiền liền, bởi vậy mà tháng nào có tăng ca thì để dành bù qua sớt lại, chứ nhiều khi có chuyện cần gấp cũng phải chạy đi mượn”.
Từ An Giang lên thành phố, chị Phạm Thùy Trang thuê trọ tại ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, làm công nhân Khu công nghiệp Tân Kim (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) gần đó. Lương chưa tới 5 triệu đồng/tháng dùng để trang trải cuộc sống cho mình và mẹ, trừ tiền trọ mỗi tháng hơn 800.000 đồng, các khoản chi tiêu khác chị luôn gói ghém từng chút một. Bà Nguyễn Thị Chiển (60 tuổi, mẹ chị Trang) cho hay: “Nó đi làm, tui ở nhà lo cơm nước, cữ sáng, cữ trưa ăn đại cái gì cho xong, để chiều mua đồ ăn nhiều chút cho con đi làm về ăn. Có tháng không tăng ca thì cơm chiều 2 mẹ con 2 cái hột vịt luộc lên với nước mắm là xong”.
Cũng là công nhân thuộc Khu công nghiệp Tân Kim, anh Phạm Minh Phương (ngụ ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Đi làm ai cũng muốn tăng ca, mệt chút mà mình có thêm tiền, chứ tháng nào hàng ít không tăng ca thì oải lắm, lãnh lương xong quay qua quay lại là hết liền. Có nhà ở đây thì đỡ phần tiền trọ, nhưng cũng phụ ba má chút đỉnh tiền chợ búa mỗi tháng, rồi xăng xe, bạn bè, đám tiệc, nhiều khi thiếu tiền phải ứng lương trước hoặc mượn tạm bạn bè tháng sau trả lại”…
Mới đây thôi, một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy 26% công nhân lao động phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ, 12% cho biết thu nhập không đủ sống và phải làm thêm giờ. Khó là vậy, nhưng hàng tháng vẫn có rất nhiều những người trẻ quẩy ba lô tìm về thành phố, mong kiếm được một việc làm, dù phía trước là con đường mờ mịt, cam go.