Những hành động ngang ngược, đe dọa trật tự và ổn định khu vực của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến dư luận trong nước và quốc tế rất bức xúc.
TS TRẦN CÔNG TRỤC, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ:
Các nội dung tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa qua cho thấy lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, rõ ràng, thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của UNCLOS 1982.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Căn cứ vào tính chất, mức độ và phạm vi xảy ra vi phạm của phía Trung Quốc và xuất phát từ thiện chí, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã cân nhắc một cách thận trọng trước khi áp dụng những hình thức đấu tranh chính trị, pháp lý, truyền thông thích hợp, khá mạnh mẽ và đúng thủ tục pháp lý hiện hành. Nội dung các văn kiện ngoại giao đã phản ánh đầy đủ lập trường nói trên của Việt Nam.
Việc Mỹ nhanh chóng lên tiếng phản đối Trung Quốc, sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố rõ ràng lập trường của Việt Nam về hành vi phạm pháp của Trung Quốc, cho thấy Mỹ hoàn toàn tán đồng và ủng hộ Việt Nam, quan ngại về các hoạt động nhằm tranh giành vị trí siêu cường của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tôi tin rằng các nước khác cũng sẽ ủng hộ Việt Nam, vì chúng ta có chính nghĩa và thiện chí. Khi dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam sẽ là nguồn sức mạnh giúp chúng ta bảo vệ và quản lý được các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển Đông trong tình hình hiện nay.
TS NGÔ HỮU PHƯỚC, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TPHCM:
Trung Quốc lại vi phạm pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Nhằm thực hiện mưu đồ “độc chiếm biển Đông”, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, không thực thi đầy đủ các cam kết chính trị với Việt Nam, ASEAN và các cường quốc trên thế giới trong đó có UNCLOS và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002 (DOC).
Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đã được Quốc hội tuyên bố trong Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS ngày 23-6-1994 là “giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982…”.
Với tư cách là thành viên của ASEAN, Việt Nam nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội khối và quyết tâm tham gia xây dựng thành công COC để thay thế DOC với kỳ vọng COC sẽ là khuôn khổ pháp lý quốc tế khu vực quan trọng nhất để ASEAN và Trung Quốc xây dựng biển Đông thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nhất quán nguyên tắc giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển Đông theo phương châm “tranh chấp song phương thì giải quyết song phương”, “tranh chấp đa phương thì giải quyết đa phương” trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.