Theo Công an tỉnh Bình Phước, hiện nay trên tuyến sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) và huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) có 5 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, đoạn chạy qua địa phận 3 xã Thống Nhất, Đăng Hà, Đồng Nai (huyện Bù Đăng) dài 19km.
UBND tỉnh Bình Phước cấp 1 giấy phép khai thác cho Công ty TNHH Trường Phát có thời hạn khai thác đến ngày 31-12-2018 với chiều dài khu vực khai thác là 5km. Dọc tuyến sông Đồng Nai thuộc tỉnh Bình Phước có khoảng 14 cơ sở, hộ gia đình hoạt động kinh doanh cát xây dựng với 34 bến bãi tập kết cát. Tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho 4 doanh nghiệp hoạt động gồm Công ty TNHH Mạnh Hà, Công ty TNHH Thanh Hằng, DNTN Xuân Trường, DNTN Xuân Hà.
Thời gian qua, lợi dụng đoạn sông giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng, một số đối tượng đã tự ý khai thác cát trái phép. Một số doanh nghiệp khai thác với công suất vượt khối lượng cho phép, khai thác ngoài vùng được cấp phép dẫn đến một số khu vực bị sạt lở. Qua khảo sát thực tế, các khu vực bị sạt lở chủ yếu nằm trên địa phận huyện Cát Tiên (Lâm Đồng).
Trong năm 2018, Công an tỉnh Bình Phước thực hiện các kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác cát xây dựng trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua huyện Bù Đăng. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý 15 vụ/15 đối tượng có hành vi khai thác cát xây dựng trái phép, 10 vụ kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc.
Cơ quan chức năng đã tạm giữ 11 phương tiện khai thác trái phép, tịch thu 432m3 cát xây dựng, 15.253,475m3 cát không rõ nguồn gốc; đề xuất xử phạt vi phạm hành chính số tiền 328 triệu đồng với hành vi khai thác khoáng sản trái phép và hơn 216 triệu đồng đối với kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc.