Một phụ nữ đang nâng mũi tại một spa kém chất lượng
Nắm bắt nhu cầu cao về làm đẹp dịp cận tết, nhiều spa, trung tâm thẩm mỹ ở TPHCM đua nhau quảng bá dịch vụ kèm các chiêu khuyến mại nhằm thu hút khách hàng. Nhưng, những lời mời chào đầy hấp dẫn với các phương thức giảm giá, công nghệ tiên tiến và chuyên gia kinh nghiệm... có thể lại là “vỏ bọc” ngụy trang của không ít cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng.
Từ trúng thưởng thành… con nợ
Chị Trần Thị Mai (quận Gò Vấp) kể lại đầy bức xúc, cách đây 3 tuần, một phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên của một spa ở đường Quang Trung (quận Gò Vấp) gọi điện mời chị tham gia chương trình chăm sóc và soi da miễn phí trị giá 3 triệu đồng. Nghe bùi tai, chị Mai đã đến spa soi da và được nhân viên tại đây kết luận da chị đang thời kỳ lão hóa, cần phải khắc phục để trẻ hóa làn da. Nhân viên còn tư vấn chị dùng bộ sản phẩm chăm sóc da trị giá trên 40 triệu đồng tại spa, sẽ có làn da tươi trẻ. Tuy nhiên, vì chị là khách hàng may mắn được spa chọn ngẫu nhiên nên được giảm giá 50%, chỉ phải trả 20 triệu đồng.
Bộ sản phẩm được cô nhân viên liên tục quảng cáo gồm 10 loại mỹ phẩm chăm sóc da mặt toàn diện như kem dưỡng da, nước hoa hồng, kem dưỡng ban đêm, mặt nạ… có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Để đạt được hiệu quả, chị Mai phải dùng hàng ngày tại nhà và mỗi tháng đến spa trị liệu 1 lần với thời gian khoảng 40 - 60 phút. Người tư vấn của spa này còn cam kết như đinh đóng cột, nếu da không đẹp, không cải thiện thì sẽ hoàn lại tiền.
“Thấy chương trình khuyến mại khá hấp dẫn, lại mong muốn có làn da đẹp để đón tết, tôi đã đồng ý mua bộ sản phẩm chăm sóc da. Nhưng do không đủ tiền trả một lần nên tôi đã ký với spa giấy trả góp trong thời gian 6 tháng, mỗi tháng thanh toán 2 triệu đồng và trả trước 8 triệu đồng”, chị Mai cho biết.
Sau khi dùng sản phẩm được 2 tuần, chị Mai thấy da mặt không những không được cải thiện mà mọc mụn khá nhiều, một số chỗ bị sưng tấy, mẩn đỏ kèm theo bong tróc nên chị đã ngừng sử dụng, đến spa đề nghị chấm dứt hợp đồng, trả lại hàng. Tuy nhiên, đại diện spa này kiên quyết không cho chị thanh lý hợp đồng, bắt chị mang sản phẩm về tiếp tục dùng đến hết liệu trình và yêu cầu phải thanh toán đủ tiền.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày cuối năm, nhiều khách hàng sau khi sử dụng các dịch vụ làm đẹp cũng gặp tình trạng tương tự chị Mai. Thậm chí, có khách hàng chưa sử dụng mỹ phẩm vẫn bị phạt 5% - 10% trị giá sản phẩm do vi phạm hợp đồng. Ngoài chiêu giảm giá, tặng voucher làm đẹp, một số spa còn nhắn tin trúng thưởng “làm đẹp miễn phí” đến khách hàng. Tiếp đó, nhân viên của các spa này lập tức gọi điện hoặc đến tận nhà tư vấn cho khách hàng mua trả góp mỹ phẩm, với số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Từ “trúng thưởng” làm đẹp miễn phí, chỉ sau một thời gian ngắn, không ít khách hàng đã tự đẩy mình vào vị trí “con nợ”.
Biến dạng vì thẩm mỹ
Đến điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng bị sưng một bên má, chị N.H.T. (35 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết vừa thực hiện thủ thuật tạo má lúm đồng tiền tại một spa nằm trên đường Ba Tháng Hai (quận 10). Các bác sĩ đã phát hiện một ổ áp xe lớn trong má của bệnh nhân và phải cắt bỏ. Sau phẫu thuật, má bệnh nhân bị lõm vào và trở nên dị dạng.
“Việc điều trị cho bệnh nhân phải dùng kháng sinh lâu dài để chấm dứt hoàn toàn việc nhiễm trùng. Cùng với đó, phải cố gắng giữ được gò má không biến dạng, không gây sẹo co rút làm ảnh hưởng quá nhiều tới vùng má sau này”, bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, cho biết.
Cũng theo bác sĩ Khanh, thời điểm cận tết, khi nhu cầu làm đẹp của chị em tăng lên thì cũng là lúc đơn vị này tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp. Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, nhưng vẫn còn có nhiều người “liều mình” tìm đến. “Thậm chí, bệnh nhân còn giấu nhẹm tên, địa chỉ cơ sở thẩm mỹ gây biến chứng nên chúng tôi không thể gửi phản hồi, cảnh báo cho các cơ quan quản lý”, bác sĩ Khanh băn khoăn.
Trong 2 tuần trở lại đây, Bệnh viện Trưng Vương cũng tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân đến “sửa lỗi” do làm đẹp đón tết. Các trường hợp biến dạng chủ yếu do sửa mắt, mũi, nhấn mí, tạo má lúm đồng tiền, nâng mũi. Điểm chung của các trường hợp này là sử dụng dịch vụ làm đẹp tại các spa, tiệm uốn tóc không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ, hoặc chưa được cấp phép.
Nhiều cơ sở thẩm mỹ coi dịp tết là mùa ăn nên làm ra. Khi số lượng khách ngày một đông, trong khi thiếu kỹ thuật viên, không ít cơ sở thuê những người không có tay nghề vào làm việc. Vì vậy, để tránh “tiền mất, tật mang”, các bác sĩ khuyến cáo mỗi cá nhân khi đi làm đẹp cần lưu ý lựa chọn những cơ sở có uy tín, chất lượng, đã được cấp phép. Trước khi ký hợp đồng sử dụng dịch vụ hoặc mua sản phẩm từ các cơ sở này phải đọc kỹ các điều khoản. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để được giải quyết kịp thời.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều spa, thẩm mỹ viện, tiệm uốn tóc cử người đi học các khóa tạo lúm đồng tiền, nhấn mí, nâng mũi “cấp tốc” chừng 3 - 4 tháng theo kiểu nghề dạy nghề, sau đó về thực hiện cho khách. Còn những nơi nhận đào tạo cũng không cần quan tâm trình độ học vấn của học viên, thậm chí vẫn nhận dạy thủ thuật tạo lúm đồng tiền cho học viên mới. Trong khi đó, việc nâng mũi, tạo má lúm đồng tiền, nhấn mí đều là những thủ thuật có xâm lấn, chỉ bác sĩ chuyên khoa có chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện.