Chuyện cái bể nước trên núi cao

Chuyện cái bể nước trên núi cao

Nhiều giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Ch’ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cùng vận chuyển gạch, xi măng, cát sạn và tự tay xây 2 bể nước phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt của 323 học sinh bán trú.

Giáo viên tự tay xây bể nước tặng học sinh

Những cơn mưa rừng rả rích làm cho tuyến đường từ A xan lên Ch’ơm càng thêm trơn trượt. Tuyến đường này ngày nắng ráo chạy xe máy lên trường cũng đã mất 1 tiếng, giờ vừa đẩy vừa đi mất gần 3 tiếng mới tới nơi. Dù 12 giờ trưa, nhưng các thầy cô vẫn hăng say làm việc, người xúc cát, người chuyển gạch, người loay hoay xây trát... Hai cái bể chứa nước có thể tích gần 10m3 đã sắp hoàn thành. Thầy giáo Nguyễn Đồng Vũ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngôi trường này được xây mới cách đây mấy năm, nhưng chỉ có ngôi trường chính, còn lại khu hiệu bộ, nhà ăn ở, nhà vệ sinh của học sinh và giáo viên đều tạm bợ.

Từ năm 2015 về trước, ở đây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ngoài việc tận dụng nước mưa, các thầy cô đều phải tự mình đi cõng nước từ cuối thôn Achoong về dùng. Rất mừng, vừa rồi Quận ủy Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã hỗ trợ gần 100 triệu đồng mua ống nước. Các thầy cô tự đi mua ống rồi vận động dân quân xã Ch’ơm, Gari tham gia làm công trình nước tự chảy. “Sau gần 2 tháng băng rừng lội suối, đắp đập ngăn nước, 2.900m ống được kéo lên tận đỉnh núi Ch’ơm để lấy nước dẫn về trường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và thầy cô giáo sinh hoạt”, thầy giáo Vũ kể.

Có nước, nhưng lại thiếu bể chứa để dự trữ, thế là thầy giáo Vũ phải tranh thủ những ngày nghỉ hè để xuống Đà Nẵng xin nguồn hỗ trợ từ Hội Từ thiện Sông Hàn. Với tấm lòng thiện nguyện, Hội Từ thiện Sông Hàn đã sẵn sàng hỗ trợ 10 ngàn viên gạch ống, 3 tấn xi măng, 6 xe tải cát và vận chuyển đến tận nơi. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết, những năm qua tập thể giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Ch’ơm không chỉ hoàn thành tốt việc dạy học mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, không ngại khó khăn gian khổ. Đặc biệt là việc gì có thể làm được thì các thầy cô đều tự làm, không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của cấp trên. “Các thầy, cô không chỉ dạy học mà còn lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho các em. Giáo viên ở đây cùng nhau xây dựng, tu bổ giữ gìn cơ sở vật chất của nhà trường như chính ngôi nhà của mình. Nhiều trường hợp còn tình nguyện phục vụ lâu dài ở miền núi, thật đáng khâm phục” - ông Tuấn nói.

QUANG QUỲNH

Tin cùng chuyên mục