Chương trình Bình ổn thị trường năm 2017 tại TPHCM: Tăng sản lượng hàng hóa

Ngày 1-4, TPHCM chính thức triển khai thực hiện các Chương trình Bình ổn thị trường năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 (viết tắt CTBOTT 2017). Theo đó, năm 2017, CTBOTT tại TPHCM tiếp tục nhận được sự tham gia của đội ngũ doanh nghiệp (DN) hùng hậu, với 88 đơn vị (tăng 2 đơn vị); số lượng và danh mục các mặt hàng bình ổn cũng phong phú và đa dạng hơn…

Ngày 1-4, TPHCM chính thức triển khai thực hiện các Chương trình Bình ổn thị trường năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 (viết tắt CTBOTT 2017). Theo đó, năm 2017, CTBOTT tại TPHCM tiếp tục nhận được sự tham gia của đội ngũ doanh nghiệp (DN) hùng hậu, với 88 đơn vị (tăng 2 đơn vị); số lượng và danh mục các mặt hàng bình ổn cũng phong phú và đa dạng hơn…

Hàng bình ổn chiếm 25% - 40% nhu cầu thị trường

Theo Sở Công thương TPHCM, năm 2017, TPHCM tiếp tục thực hiện song song 4 CTBOTT gồm: CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, CTBOTT các mặt hàng sữa, CTBOTT các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2017-2018 và CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.

Người tiêu dùng thực hiện truy suất nguồn gốc thịt heo bình ổn tại siêu thị Co.op Foodcosa

Căn cứ vào sự thay đổi xu hướng, thị hiếu tiêu dùng của người dân và trên cơ sở đăng ký theo khả năng cung ứng của từng DN, TPHCM đã xây dựng sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng bình ổn chiếm từ 25% - 40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân từ 30% - 35% so với kết quả thực hiện năm 2016.

Cụ thể, lượng hàng lương thực, thực phẩm sẽ được bình ổn đối với 9 nhóm mặt hàng (gồm: gạo các loại, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản). Các mặt hàng này sẽ chiếm 25% - 30% nhu cầu thị trường vào các tháng thường, 30% - 40% nhu cầu thị trường các tháng giáp tết. Các mặt hàng trong chương trình mùa khai trường, lượng hàng chiếm từ 35% -50% nhu cầu tiêu dùng, tăng bình quân 15% - 30% so kết quả thực hiện năm 2016, gồm hơn 24 triệu cuốn tập, 2.123.728 bộ đồng phục học sinh, 1.750.000 cặp - ba lô - túi xách và 720.000 đôi giày, dép. Các mặt hàng sữa, tổng lượng hàng hóa tham gia chương trình năm 2017 - 2018 là 1.868,64 tấn sữa bột/năm (155,72 tấn/ tháng) và 3.957.595 lít sữa/năm (329.799 lít/tháng), chiếm từ 30% -35% mức tiêu dùng của thị trường thành phố. Các mặt hàng dược phẩm, lượng hàng hóa thực hiện chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu với 21 nhóm hàng và hơn 600 hoạt chất.

Về cơ chế thực hiện các chương trình năm 2017, cơ bản không khác so với năm 2016. Nguồn vốn bình ổn sẽ thực hiện theo phương thức sử dụng vốn vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình với hạn mức, mức lãi suất hợp lý nhằm hỗ trợ DN thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng cung ứng thị trường. Giá bán hàng bình ổn là do các DN tự xây dựng và kê khai giá tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố cấu thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai giá ít nhất từ 5% - 10%. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5% - 10% so với thời điểm đơn vị kê khai giá bán liền trước, DN sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh. Trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, DN chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế.

Tăng cường hỗ trợ DN sản xuất, phát triển mạng lưới

Theo UBND TPHCM, năm 2017, TP tiếp tục thực hiện chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN, tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận các nguồn vốn để tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng bình ổn cho TP. Ngoài ra, năm nay, TPHCM sẽ triển khai sâu rộng chương trình kích cầu và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn, giai đoạn 2016 - 2020 đến các DN tham gia bình ổn.

Vào cuối năm 2015, TP cũng đã ban hành quy định về việc triển khai thực hiện chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM nhằm khuyến khích các DN, tổ chức kinh tế tập thể đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm. Các lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất bao gồm các dự án công nghệ cao; dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; dự án thuộc lĩnh vực thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp; dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa - xã hội; dự án hạ tầng và môi trường. Như vậy, song song với gói tín dụng dành cho CTBOTT, cùng với các quyết định trên, nếu DN có dự án đầu tư đúng quy định và đối tượng, có thể dễ dàng vay vốn đề đầu tư phát triển sản xuất xuất, kinh doanh.

Năm 2017, ở mỗi CTBOTT, TPHCM sẽ tiếp tục bổ sung thêm chủng loại hàng hóa trên tinh thần tự nguyện đăng ký của DN nhằm làm phong phú, đa dạng sự lựa chọn cho người dân như CTBOTT lương thực - thực phẩm, bên cạnh 9 nhóm mặt hàng chủ lực còn có thêm một số mặt hàng mới để tăng sự lựa chọn cho khách hàng.

Trong định hướng phát triển CTBOTT năm 2017, TPHCM tiếp tục thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín cho chương trình nói chung và DN, sản phẩm bình ổn thị trường nói riêng, thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông. Hỗ trợ DN mở rộng thị trường trên cả nước, đồng thời hỗ trợ các địa phương thực hiện CTBOTT; trước mắt, trọng tâm là các tỉnh, thành ở miền Đông - Tây Nam bộ. Tiếp tục hỗ trợ DN đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo hướng hiện đại, năng suất cao; thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu đối với sản phẩm đạt chuẩn an toàn. Thúc đẩy phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường, kinh doanh 100% hàng Việt Nam và là điểm bán thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, Haccp… phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục đưa logo của chương trình vào các mặt hàng bình ổn nhằm nâng cao khả năng nhận diện cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, qua đó góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả và ý nghĩa của chương trình.

Theo UBND TPHCM, CTBOTT năm 2017 tiếp tục gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa trong chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Lượng hàng hóa trong chương trình có khả năng cân đối cung - cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân TP trong trường hợp có xảy ra biến động. Điều quan trọng nhất, hàng hóa trong chương trình phải được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng, nhất là người dân tại các xã phường của quận huyện ngoại thành, công nhân lao động tại các KCX - KCN. Để thực hiện được việc này, TP giao Sở Công thương phối hợp với Hepza và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tìm giải pháp phù hợp, nghiên cứu nhu cầu của công nhân; từ đó, thúc đẩy phát triển nhanh các cửa hàng liên kết với số lượng hàng hóa đa dạng và ngày càng chuyên nghiệp hơn nhằm đi sâu vào các khu dân cư, khu nhà trọ, KCN - KCX. Ngoài ra, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các quận, huyện rà soát lại hoạt động của các chợ đầu mối, chợ bán lẻ để có giải pháp tăng cường năng lực hoạt động của các chợ. Đây cũng là một trong những mục tiêu của CTBOTT năm 2017 nhằm tăng tần suất bao phủ hàng bình ổn đến các kênh phân phối, đặc biệt tại các chợ của TP.


Uyển Chi - Hùng Minh

Tin cùng chuyên mục