Chung tay lo an sinh, phúc lợi xã hội

Hình ảnh những cây ATM gạo đi kèm với “siêu thị 0 đồng” xuất hiện ở vùng nông thôn Hậu Giang trong mùa dịch Covid-19 vừa qua đã không còn xa lạ với các phương tiện truyền thông. Gần 100 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu đã đến tay và làm ấm lòng hàng ngàn gia đình neo đơn. Đây là một nỗ lực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, nhằm san sẻ với người dân trong lúc khó khăn.
Mô hình ATM gạo và siêu thị 0 đồng đã giúp nhiều gia đình ở Hậu Giang vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19
Mô hình ATM gạo và siêu thị 0 đồng đã giúp nhiều gia đình ở Hậu Giang vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19

Trong những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Hậu Giang đã quan tâm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong vận động nhân dân phát triển kinh tế đi đôi với công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh phúc lợi xã hội, chăm lo cho người dân. Nhìn lại, sau khi tỉnh Hậu Giang được thành lập (năm 2004), điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cuộc sống gia đình chính sách, người có công còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp (cuối năm 2003 là 5,297 triệu đồng/người/năm), nên Hậu Giang xác định tập trung phát triển kinh tế và chăm lo cho gia đình chính sách, người có công là nhiệm vụ quan trọng. Tính từ năm 2004 đến tháng 9-2010, tỉnh đã vận động trong xã hội đóng góp hơn 815 tỷ đồng, xây trên 20.000 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,55% ở năm 2006 xuống còn dưới 8% vào năm 2010. Tỉnh ủy Hậu Giang xác định chủ trương “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhằm bảo đảm mức sống của các gia đình chính sách, người có công có mức sống khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương”. Hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã cụ thể thành những chương trình, kế hoạch phù hợp vận động các nguồn lực xã hội để tổ chức triển khai thực hiện.

Có thể kể đến các phong trào “Thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ làm kinh tế giỏi”; “Xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc”; “Tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm”; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng và nhận đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh; xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Đối với công tác giảm nghèo, MTTQ các cấp lồng ghép chặt chẽ trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với các tiêu chí về giúp nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, vận động gây Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo và thực hiện Chương trình “An sinh phúc lợi xã hội”…

“Tỉnh đã và đang phát triển bền vững trên nền tảng của Hậu Giang những năm đầu chia tách. Đó là phát triển kinh tế bền vững cùng với vận động toàn xã hội chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội”, bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, cho biết. Theo bà Thái Thu Xương, Hậu Giang có hơn 10.000 người đang hưởng trợ cấp chính sách hàng tháng: gần 1.500 Mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 3.000 thương binh, bệnh binh; gần 4.800 thân nhân liệt sĩ và gần 1.600 người dân có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến… Hiện nay, các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Các thân nhân liệt sĩ già yếu neo đơn, thương bệnh binh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ… vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Hiện các cấp MTTQ tỉnh Hậu Giang đã và đang chung tay nhân rộng trên 1.000 mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư tại nơi cư trú.

Hơn 16 năm thành lập tỉnh, với sự đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh, Hậu Giang từ một tỉnh với rất nhiều khó khăn, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 3,1%, theo chuẩn tiếp cận đa chiều, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 53 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 lần so với năm 2004. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tỉnh Hậu Giang, với sự chủ động, tích cực, tận tâm của đội ngũ cán bộ, mang đến nguồn vui cho các gia đình diện chính sách và gia đình có công với cách mạng.

Qua những việc làm, giải pháp cụ thể, từ năm 2010-2015, hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động trên 2.035 tỷ đồng; xây dựng xây dựng 365 căn nhà tình nghĩa, 2.923 căn nhà đại đoàn kết… Từ năm 2015 đến nay, đã vận động 1.221 tỷ đồng, phối hợp xây dựng và sửa chữa hơn 2.120 căn nhà tình nghĩa, 2.699 căn nhà Đại đoàn kết và triển khai xây dựng hàng trăm công trình phúc lợi cộng cộng. 

Tin cùng chuyên mục