Trong hội nghị trao đổi phương án xây dựng cơ sở dữ liệu người dân giữa Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM với đại diện 24 quận - huyện của TPHCM được tổ chức mới đây, các ý kiến cho thấy đây là hạng mục quan trọng trong xây dựng kho dữ liệu dùng chung phục vụ đề án đô thị thông minh, trước mắt là phục vụ các nhu cầu dân sinh của người dân. Tuy nhiên, với tiến độ và nội dung đề ra, các quận - huyện cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Thực hiện đồng bộ
Theo Sở TT-TT TPHCM, việc xây dựng cơ sở dữ liệu người dân để hình thành kho dữ liệu dùng chung hướng đến mục tiêu giảm bớt giấy tờ trong dịch vụ công; cung cấp ứng dụng liên quan người dân hiệu quả hơn và hỗ trợ các quận - huyện quản lý địa bàn dân cư…
Phương án xây dựng được sở này đưa ra: từ 1-4-2018 thu thập thông tin dân cư (thường trú, tạm trú); đến 1-11-2018 sẽ tiến hành thí điểm số hóa dữ liệu dân cư, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng; đến 1-4-2019 hình thành nên kho cơ sở dữ liệu người dân phiên bản 1.0.
Đây cũng là thời điểm tổng điều tra dân số và nhà ở nên là cơ hội thu thập, củng cố thêm dữ liệu; đến quý 1-2020, hình thành kho cơ sở dữ liệu người dân phiên bản 2.0.
Đáng chú ý, trong giai đoạn hình thành cơ sở dữ liệu người dân từ phiên bản 1.0 đến 2.0, sở triển khai đồng thời các giải pháp duy trì, cập nhật, chia sẻ dữ liệu người dân và triển khai các ứng dụng liên quan cơ sở dữ liệu người dân. Đây cũng là giai đoạn số hóa dữ liệu sổ hộ tịch và đồng bộ hóa với kho dữ liệu người dân.
Đặc biệt, phải có sự tương tác với người dân, để người dân thấy rõ sự cần thiết, tiện lợi khi dữ liệu của người dân được số hóa, được thể hiện rõ khi ứng dụng, nhất là ứng dụng cho các dịch vụ như y tế, giáo dục.
“Sở TT-TT sẽ phối hợp Sở Tài chính, Công an TP, Sở Tư pháp nghiệm thu với UBND các quận - huyện các kết quả thực hiện. Để thực hiện chính xác và đúng tiến độ khi xây dựng cơ sở dữ liệu người dân, hàng tháng, các đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện về Sở TT-TT để kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tất cả cần đồng bộ và thống nhất”, bà Trinh nhấn mạnh.
Như vậy, UBND các quận - huyện sẽ tiếp nhận bản sao và số hóa phiếu thu thập thông tin dân cư thường trú/tạm trú. Tổ chức nhập liệu tại quận - huyện và dữ liệu được lưu tập trung tại Trung tâm Dữ liệu TPHCM hoặc có thể thuê dịch vụ số hóa, song phải đảm bảo an toàn thông tin, không lộ lọt thông tin của người dân và thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của Sở TT-TT.
Đảm bảo đồng bộ và dễ tích hợp
Trước phương án mà Sở TT-TT đặt ra, đại diện các quận - huyện đã nêu ra nhiều ý kiến. Trong đó, với các mốc thời gian cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu người dân như trên, nhiều quận - huyện cho rằng không kịp tiến độ, nhất là với việc cập nhật thông tin tạm trú.
Theo đại diện Sở Tư pháp, đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết nhưng cần tận dụng dữ liệu đã được số hóa (trước đây) và cần đồng bộ với dữ liệu khác. Trong phương án chia sẻ, khai thác, cần chú trọng đến thông tin cá nhân. Dữ liệu số hóa cần có dữ liệu hình ảnh và dữ liệu của việc thay đổi dữ liệu.
Còn đại diện quận 6 phát biểu: Cần xác định đây là dữ liệu người dân để phục vụ đời sống xã hội chứ không phải dữ liệu ngành an ninh, nên việc cập nhật dữ liệu cần từ 2 phía là cơ quan quản lý nhà nước và người dân.
Đại diện quận 1 cho rằng cơ sở dữ liệu người dân là rất cần thiết trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật dữ liệu, không thể đòi hỏi chính xác 100% mà vừa làm vừa cập nhật và hoàn thiện dần.
Trước các ý kiến trên, bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng, tiến độ của việc xây dựng cơ sở dữ liệu người dân tại TPHCM dựa trên chương trình tổng thể về điều tra dân số, là nguồn dữ liệu cần tận dụng trong xây dựng cơ sở dữ liệu người dân TPHCM.
Tuy nhiên, cần thống nhất và khẳng định rằng quận - huyện vẫn là nền tảng trong xây dựng cơ sở dữ liệu người dân, nó liên quan đến các vấn đề dân sinh của người dân, cho nên các quận - huyện, đơn vị nên cùng phối hợp thực hiện để đạt được kết quả như mong đợi.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu người dân đặt ra các yêu cầu: Sổ hộ tịch gốc được liên kết một cách chính xác với các cơ sở dữ liệu hộ tịch tương ứng. Quá trình số hóa phải đảm bảo có thể tích hợp vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp và theo hướng dẫn của Sở TT-TT. Song song đó, quy trình thực hiện số hóa và các trường dữ liệu số hóa phải đáp ứng theo tài liệu hướng dẫn thực hiện số hóa sổ hộ tịch của Bộ Tư pháp; dữ liệu sổ bộ hộ tịch được lưu trữ tập trung tại Trung tâm Dữ liệu của TPHCM phải được tích hợp và đồng bộ với dữ liệu người dân. |