Chú trọng giữ an ninh trật tự tại bệnh viện

Theo Bộ Y tế, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã xảy ra hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung, đe dọa y tá, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự. 60% vụ việc xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh. 70% người bị hành hung là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. Nghiêm trọng nhất là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Qua đó cho thấy, tình trạng mất an ninh và mất an toàn tại các bệnh viện đã đến mức báo động.

Bác sĩ Lê Quang Dương - Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, Hà Nội bị người nhà bệnh nhân hành hung hôm 16-4

Hiện nay, tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh, tình trạng an ninh - trật tự còn rất lỏng lẻo. Bệnh viện là nơi nhiều người ra vào, khó quản lý, trong đó bệnh nhân và người thân của họ là những người ở tình trạng tâm lý rất dễ bị tổn thương, nên nhân viên bảo vệ bệnh viện không thể theo nguyên tắc cứng nhắc kiểm tra, trình báo như bảo vệ cơ quan hành chính, an ninh, quân  sự được. Bệnh viện cũng không có lực lượng bảo vệ đông với kỹ năng ứng phó chuyên nghiệp. Do vậy, bọn côn đồ dễ dàng qua mắt lực lượng bảo vệ, vào bệnh viện tiếp cận bệnh nhân và các cán bộ nhân viên bệnh viện, tác oai tác quái khi chúng muốn. Khi vào bệnh viện hành hung người, bọn côn đồ thường đi đông và chúng hành động manh động, rất khó lường.

Để ngăn ngừa xảy ra những vụ việc mất an ninh trật tự, các bệnh viện cần có thêm biên chế nhân viên bảo vệ từ các công ty bảo vệ chuyên nghiệp; có kế hoạch phối hợp với lực lượng an ninh địa phương, chuẩn bị phương án đối phó một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Bệnh viện cần đề cao cảnh giác, hướng dẫn nhân viên y tế, bác sĩ nhận biết dạng bệnh nhân cấp cứu có nghi vấn do thanh toán nhau, bị côn đồ truy sát bị thương… để chuẩn bị ứng phó kịp thời.

TÚ NGUYÊN
(huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Tin cùng chuyên mục